Giáo dục

Mong một bữa cơm gia đình ấm cúng

Từ ngày bố bị bệnh, mẹ phải đi làm xa, Thủy luôn mong có một ngày gia đình đoàn tụ bên bữa cơm đầy đủ các thành viên.

Nhân chuyến công tác Hải Dương, theo chỉ dẫn của một người đồng đội, tôi tìm đến nhà em Vũ Thị Lệ Thủy nằm phía cuối làng bên bờ sông Kinh Thầy. Căn nhà trống vắng, lạnh lẽo với những mảng tường rêu đen bám đã cũ kỹ. Gió ngoài mé sông, một bà cụ móm mém, dò dẫm bước ra ngoài thềm cất tiếng gọi cháu khi tôi bước vào. Đó là bà nội của Thủy. Chắc bà tưởng tôi là cô cháu gái vừa về đến nhà. Khi nghe tôi bày tỏ mong muốn tìm hiểu về hoàn cảnh của Thủy, bà lặng đi một lúc, rồi dụi mắt kể.

mong-mot-bua-com-gia-dinh-am-cung

Vì gia cảnh khó khăn, nhà chỉ có hai sào ruộng nên khi Thủy còn chưa đầy một tuổi, mẹ đã phải gửi em cho bà nội để cùng chồng theo thuyền buôn trên sông Kinh Thầy xuôi ngược kiếm sống bằng nghề bốc vác thuê. Tiền công bấp bênh nhưng bố mẹ Thủy phải đi hai ba tháng mới về nhà một lần. Nhiều năm, ngày Tết cũng chỉ có ba bà cháu vì bố mẹ Thủy vẫn phải theo thuyền hàng trả khách. Chục năm trời, anh em Thủy sống với bà trong căn nhà đã mối mọt sập xệ, rêu mốc thâm, không biết khi nào thì đổ. Ba bà cháu cấy được ít lúa, tự trồng rau trong vườn, cơm cháo qua ngày. Đợt nào bố mẹ Thủy về thì bữa cơm mới tươm tất hơn.

Những tưởng bao khó khăn vất vả dần qua, ai ngờ tai họa lại ập đến với gia đình em thêm lần nữa. Hơn hai năm trước, bố Thủy được phát hiện suy thận độ 4 (giai đoạn nặng nhất), nên hầu như chẳng làm được việc gì. Chút tiền ít ỏi dành dụm sau bao năm vất vả của ba mẹ định dành sửa nhà đổ vào chi phí điều trị.

Bố Thủy một tuần 3 lần phải chạy thận trên thành phố Hải Dương, chi phí mỗi tháng hết 4-5 triệu đồng. Cứ đến ngày, bố Thủy phải đạp xe 30 cây số từ nhà lên bệnh viện tỉnh. Sáng đi, có khi tối mịt mới về. Hôm nào may thì bố của em mới có người cho đi nhờ ra thành phố, rồi tự vẫy xe về.

Sau khi đã vay mượn khắp nơi tiền thuốc thang cho chồng và duy trì cuộc sống gia đình, mẹ Thủy đành theo một người bạn sang bên kia biên giới làm thuê để gửi tiền về trang trải. Số tiền gửi về cũng chỉ gần đủ mua thuốc thang. Lần nào gọi điện về mẹ Thủy cũng khóc. Mẹ Thủy đi hai năm rồi mà chưa một lần được về nhà.

Bà còn kể rằng Thủy chăm ngoan và học tốt lắm. Ngày xưa, khi có mấy bà cháu ở nhà, lúc nào bà ra đồng thì Thủy cũng đòi đi theo. Thủy biết đứng cấy từ năm mới 6 tuổi. Về học tập thì Thủy lúc nào cũng đứng nhất, nhì lớp. Từ ngày bố bị bệnh, mẹ phải đi làm xa, anh bận học trên Hà Nội, Thủy phải cáng đáng nhiều hơn. Bà nội giờ già yếu, rặng rụng, mắt mũi chẳng nhìn rõ. Mấy năm nay, một mình Thủy lo 2 sào ruộng và chăm vườn rau lấy kế sinh nhai cho cả nhà, lấy gạo gửi lên để anh ăn học. Những khi chiều muộn, nếu không đem rau ra chợ làng bán thì Thủy lại ra bến thuyền vét than rơi. Nếu chịu khó, mỗi ngày em cũng kiếm được cả chục nghìn đồng. Chỉ tội là lần nào về bụi than cũng lấm lem khắp người...

Cô bé vừa treo chiếc rổ lên cạnh bếp, vừa tíu tít hoe hôm nay rau bán đắt hàng, ai cũng khen ngon. Bà của Thủy lau vội hai khóe mắt giới thiệu có tôi đến chơi. Em tỏ ra rất ngạc nhiên. Cô bé hồn nhiên hỏi han tôi và xuýt xoa mong một ngày lớn lên cũng được làm thế này, thế nọ như bao người. Sau một hồi chào hỏi, Thủy mới nhẹ nhàng tâm sự. Điều làm em lo lắng nhất bây giờ là sức khỏe của bố. Đường lên viện xa quá. Mỗi lần đi chạy thận về là bố như muốn lả đi. Em cũng thương và mong sớm được gặp lại mẹ. Thủy cũng mong anh trai cố gắng học thành tài để phụ giúp bố mẹ. Còn về phần mình, em chỉ mong sẽ không phải bỏ học và ước mơ trở thành một cô giáo.

Câu chuyện của chúng tôi vừa kết thúc là lúc bố Thủy đi chạy thận về. Vừa buông tay khỏi chiếc xe đạp, bố của em đã bước vội lên thềm. Rất nhanh, Thủy dìu bố nằm xuống giường và đi lấy nước cho ông uống. Rồi Thủy đi thắp đèn, lấy khăn lau mặt mũi chân tay cho bố. Em vừa làm vừa ân cần hỏi han, động viên bố. Một lát sau, như chợt nhớ điều gì, Thủy lại đi vo gạo thổi cơm… Hình ảnh ấy khiến tôi rất xúc động. Không hiểu sao khi thấy Thủy chạy đôn chạy đáo, tất tả như vậy khiến tôi lại thấy vui hơn. Chính Thủy đang sưởi ấm cho ngôi nhà của mình.

Bước khỏi ngôi nhà nhỏ hiu hắt bên sông Kinh Thầy, tôi vẫn cứ ám ảnh bởi câu nói của Thủy: “Em chỉ mong có một bữa cơm gia đình đầm ấm như các bạn...”. Không biết ước mơ đó đã đè nặng lên đôi vai của Thủy bao ngày? Và có lẽ, ước mơ ấy sẽ còn xa lắm đối với em. Nhưng tôi tin với nghị lực mạnh mẽ, sự cố gắng, quyết tâm vươn lên không ngừng, một ngày không xa em sẽ có được điều đó. Thủy xứng đáng có được nhiều hơn thế nữa.

Đinh Quang Hoạch

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,092,085       1/876