Theo một tin đồn đang lan truyền ở Philippines, vaccine Covid-19 sẽ cho phép Tổng thống Rodrigo Duterte giết người dân chỉ bằng một nút bấm.
Ở quốc gia 108 triệu dân này, những ký ức về một loại vaccine phòng sốt xuất huyết đã bị cấm tại địa phương đang khiến người dân chối bỏ ý tưởng tiêm chủng vaccine Covid-19 ngay cả trước khi chiến dịch bắt đầu.
"Nhiều trẻ em đã bị bệnh sau khi tiêm vaccine đó", bà Crisanta Alipio, 62 tuổi, nói về loại vaccine ngừa sốt xuất huyết. Bà cũng sợ Covid-19 nhưng thậm chí còn sợ vaccine hơn.
Philippines dự kiến tháng tới mới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, dù là vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á với hơn nửa triệu ca nhiễm, hơn 10.000 ca tử vong. Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận họ gặp khó khăn lớn trong việc thuyết phục người dân tiêm vaccine, bên cạnh các khó khăn về hậu cần để phân phối vaccine đến 2.000 hòn đảo có hệ thống y tế lạc hậu.
"Thông điệp phải rất cụ thể và dựa trên bằng chứng để khuyến khích người dân tiêm vaccine", thứ trưởng Y tế Rosario Vergeire nói. "Chúng tôi cam kết với người Philippines rằng bất kỳ loại vaccine nào được mua và cung cấp sẽ trải qua quy trình nghiêm ngặt".
Niềm tin vào vaccine ở Philippines bị mất đi do cuộc tranh cãi về vaccine Dengvaxia của công ty Pháp Sanofi. Được phân phối nhanh chóng vào năm 2016 cho hơn 800.000 trẻ em để ngăn ngừa sốt xuất huyết, loại vaccine này sau đó bị cấm khi nhà sản xuất cho biết nó có thể khiến bệnh trầm trọng hơn ở những người chưa từng mắc sốt xuất huyết.
Sự việc đã dẫn tới hai cuộc điều tra của quốc hội và hơn 100 vụ án hình sự liên quan đến cái chết của những trẻ em đã tiêm chủng, dù mối liên hệ này chưa bao giờ được chứng minh.
Sanofi nhiều lần khẳng định Dengvaxia an toàn và hiệu quả. Vaccine này đã được Mỹ và Liên minh châu Âu phê duyệt sử dụng.
Sau vụ bê bối, Philippines đã từ một trong 10 nước hàng đầu tin tưởng vaccine rơi xuống vị trí 70. Số trẻ em được tiêm chủng đầy đủ giảm từ 85% năm 2010 xuống 69% năm 2019.
Để xoa dịu nỗi sợ hãi này, các nhân viên y tế sẽ tổ chức các cuộc họp qua mạng và tại tòa thị chính, được đào tạo đặc biệt về cách trả lời câu hỏi, Carlito Galvez, cựu tướng quân đội điều hành chiến dịch chống Covid-19, nói với Thượng viện. Mục tiêu năm nay là tiêm chủng cho 70 triệu người lớn.
Trong khi đó, ở những vùng phía nam Philippines, nỗi sợ hãi lớn là "chiến dịch chết người do nhà nước tài trợ", một tin đồn không hoàn toàn gây ngạc nhiên ở quốc gia mà cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte đã khiến gần 6.000 người chết kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2016.
Khu vực phía nam xa xôi là nơi diễn ra cuộc nổi dậy của các nhóm ly khai.
"Một số thông tin được chia sẻ trên Facebook và tin nhắn văn bản cho hay vaccine Covid-19 chứa một vi mạch có thể được điều khiển từ xa bởi Tổng thống Duterte và một khi ông ấy nhấn nút, người được tiêm vaccine sẽ chết", Nasser Alimoda, một bác sĩ ở tỉnh Lanao del Sur, nói.
Khắp nơi, người dân cũng có một nỗi lo sợ với những vaccine mà Philippines dự kiến sử dụng, nhất là vaccine của công ty Trung Quốc Sinovac Biotech, do tỷ lệ hiệu quả không đồng nhất. Có nghiên cứu cho thấy vaccine này chỉ hiệu quả 50%, trong khi nghiên cứu khác là 91%.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến, chỉ 1/3 người Philippines sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19.
"Các chương trình vaccine sẽ trở nên lãng phí nếu người dân từ chối tiêm", cựu Bộ trưởng Y tế Esperanza Cabral nói.
Apasrah Mapupuno, người đứng đầu nhóm y tế ở Lanao del Sur của chính phủ Philippines, cho biết bà đã đề nghị hàng chục nhân viên y tế và những người khác tiêm vaccine Covid-19 công khai, nhưng không ai đồng ý.
"Đó là vấn đề lớn", Mapupuno nói. "Làm sao các nhân viên y tế có thể thuyết phục cộng đồng tiêm vaccine nếu bản thân họ không tin vaccine Covid-19?".
Trong một cuộc họp báo hôm 27/1, Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, cho hay ông sẽ tiêm vaccine Covid-19 nhưng không công khai như các lãnh đạo thế giới khác.
"Ông ấy nói vì muốn tiêm vào mông nên không thể công khai", Roque cho hay.
Nhóm ứng phó với Covid-19 của Philippines từng đề nghị Tổng thống tiêm chủng công khai để trấn an người dân và khuyến khích họ làm theo. Hồi tháng 8, Duterte nói rằng ông sẽ thử nghiệm tiêm vaccine Sputnik V của Nga đang được phát triển vào thời điểm đó và sẽ tiêm trước công chúng.
Philippines thay vào đó lại mua vaccine của Sinovac Biotech sau khi công ty Trung Quốc cam kết cung cấp nguồn hàng vào đầu tháng này. Duterte cho hay các nhân viên y tế sẽ là những người tiêm trước và quan chức chính phủ tiêm cuối cùng.
Anh Ngọc (Theo Reuters, Daily Mail)
vaccine Covid-19, Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte, Chính trị xã hội thế giới, Cuộc sống đó đây, Ghi nhận