Kinh tế

Du lịch Đồng Nai: Thăm những ngôi chùa nổi tiếng của Biên Hòa

Có hơn 20 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, TP.Biên Hòa là nơi lưu giữ nhiều di tích nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Trong đó có 3 ngôi chùa khá nổi tiếng đã trở thành điểm đến của người dân trong và ngoài tỉnh.

Chùa Ông ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là nơi đón rất nhiều du khách đến tham quan và lễ chùa.
Chùa Ông ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là nơi đón rất nhiều du khách đến tham quan và lễ chùa.

Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, 3 ngôi chùa nổi tiếng trên gồm: chùa Ông, chùa Đại Giác, chùa Long Thiền đều được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

* Chùa Ông

Di tích chùa Ông được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Chùa được xây dựng vào năm 1684. Đây là ngôi chùa Hoa được xây dựng sớm nhất ở Nam bộ, gắn liền với sự thịnh vượng của lịch sử cộng đồng người Minh Hương ở vùng đất phương Nam. Chùa nằm ven sông Đồng Nai, thuộc ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa và cách trung tâm TP.Biên Hòa khoảng 2km.

Chùa Ông thờ Quan Công, Châu Xương, Quan Bình, Bà Thiên Hậu, Kim Huệ thánh mẫu, Mẹ Độ, Mẹ Sanh, Quan Âm Bồ Tát... Đến thăm chùa Ông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc sắc với những tác phẩm điêu khắc đá, gỗ độc đáo, những phù điêu, tượng gốm tinh tế giàu chất dân gian. Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, chùa Ông đón gần 80 ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và lễ chùa.

* Chùa Đại Giác

Chùa Đại Giác nằm ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa còn có tên gọi là Đại Giác cổ tự, chùa Phật lớn, chùa Tượng. Chùa được xây dựng vào năm 1665 và là một trong những di tích văn hóa tiêu biểu cho quá trình phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Chùa được xây dựng trên diện tích 3 ngàn m2 với 3 dãy nhà ngang nối liền nhau. Đây là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo Việt được khởi dựng sớm nhất ở Đồng Nai và là chứng tích cho bước đường Nam tiến ở nửa đầu thế kỷ 17 của 3 nhà sư thuộc dòng Lâm Tế ở Đàng Trong. Ngoài giá trị này, ở chùa Đại Giác còn có các tượng Phật, hoành phi, liễn đối, phù điêu... mang nhiều đề tài phong phú, được chạm khắc công phu, sơn son thiếp vàng. Tất cả đã thể hiện tài năng chạm khắc của những nghệ nhân xưa với nền mỹ thuật truyền thống vùng Đông Nam bộ.

Chùa Đại Giác nằm cách trung tâm TP.Biên Hòa gần 2km. Trong chùa có pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ cao 2,25m, lớn nhất miền Đông Nam bộ dưới thời nhà Nguyễn còn được lưu giữ, thờ phụng đến ngày nay. Pho tượng có giá trị cả về tín ngưỡng tôn giáo lẫn lịch sử văn hóa, đem đến nét độc đáo và hấp dẫn riêng. Ngoài ra chùa còn thờ Phật Thích Ca mâu ni, Phật Di Lặc, Quan Thánh đế quân, 5 vị diêm vương, 2 phán quan, Linh sơn Thánh mẫu... Chùa Đại Giác được xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1990.

* Chùa Long Thiền

Chùa Long Thiền ở phường Bửu Hòa được xây dựng vào năm 1664. Đây là một trong 3 ngôi chùa cổ nhất của Đồng Nai. Chùa Long Thiền lúc đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ làm bằng cột gỗ, vách ván, mái lợp lá dừa nước, nền đất sét. Theo phong thủy, chùa Long Thiền tọa lạc trên một vùng đất long mạch quý. Trước chùa có sông Đồng Nai, sau lưng chùa có núi Châu Thới. Trải qua nhiều năm, chùa được trùng tu khang trang và có kiến trúc theo lối chữ tam. Chùa thờ Tam thế Phật, các vị Bồ Tát, Địa Tạng, Ngọc Hoàng thượng đế, Thập bát La Hán, Thập điện Diêm Vương... Trong chùa có nhiều pho tượng được làm bằng đồng, gỗ niên đại xa xưa và các bức hoành phi, liễn đối cổ kính mang nội dung triết lý nhà Phật, nhân văn sâu sắc.

Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa Long Thiền đã có sự đóng góp rất lớn. Thời kỳ chống thực dân Pháp, chùa là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Giai đoạn chống đế quốc Mỹ, nhiều nhà sư và phật tử đã tham gia đấu tranh chính trị, đóng góp, tiếp tế cho phong trào cách mạng. Năm 1991, chùa Long Thiền được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nguyệt Hạ

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,477,346       7/924