Tại diễn đàn "Phát triển kinh tế - du lịch xanh bền vững" do Viện Nghiên cứu truyền thông văn hóa dân tộc vừa phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại TP.Hạ Long, các đại biểu đã làm rõ hiện trạng và đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch xanh trong thời gian tới.
Tại diễn đàn “Phát triển kinh tế - du lịch xanh bền vững” do Viện Nghiên cứu truyền thông văn hóa dân tộc vừa phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại TP.Hạ Long, các đại biểu đã làm rõ hiện trạng và đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch xanh trong thời gian tới.
Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long (thứ hai từ trái sang) nhận kỷ niệm chương tại diễn đàn. |
* Quan tâm đến du lịch xanh
Ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới. Du lịch đã trở thành một trong 5 ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất đất nước với hơn 20 tỷ USD/năm. Với việc vận động UNESCO vinh danh 39 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Bộ Ngoại giao đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn và tôn vinh giá trị cho du lịch Việt Nam. Qua đó cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, bảo vệ sự đa dạng sinh học, giữ gìn môi trường sinh thái.
Tại diễn đàn “Phát triển kinh tế - du lịch xanh bền vững”, Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho 5 tập thể, cá nhân, trong đó có Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long (TP.Biên Hòa) vì đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, du lịch xanh bền vững. |
Bàn về du lịch xanh, ông Lê Doãn Hợp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thông văn hóa dân tộc, nhấn mạnh du lịch xanh góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng. Phát triển du lịch xanh đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho đất nước cũng như cộng đồng người dân địa phương, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa - nơi có các khu bảo tồn tự nhiên với cảnh quan hấp dẫn.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết thời gian qua vịnh Hạ Long là điểm đến ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Quảng Ninh cũng quan tâm phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng qua các mô hình như: du lịch bằng thuyền nan ở vịnh Hạ Long, làng văn hóa dân tộc tại Yên Đức (Đông Triều)... nhằm tạo điều kiện để tỉnh phát huy những nét văn hóa địa phương, giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Tương tự, ông Hoàng Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình với mục tiêu lấy quần thể danh thắng Tràng An làm trung tâm phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa tâm linh. Ninh Bình tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở các khu, điểm du lịch, tăng cường tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, nhất là các di tích cấp quốc gia, đặc biệt tập trung cao cho bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
* Những vấn đề đặt ra
TS.Trương Sỹ Vinh, Viện phó Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng thời gian qua phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu…
Cũng băn khoăn, trăn trở về phát triển du lịch xanh, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng nước ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chưa thực sự có chiến lược, cơ chế chính sách, giải pháp rõ ràng, cụ thể. Ông đề nghị cần xác định rõ nhiệm vụ cũng như cơ chế để ngành kinh tế mũi nhọn phát triển bền vững.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long, cho rằng trong thời gian qua đơn vị đã quan tâm đầu tư nhiều loại hình dịch vụ giải trí, phát triển không gian xanh... Tuy nhiên, đơn vị cũng trăn trở và mong muốn có những chính sách, cơ chế hợp lý trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch xanh và có chính sách thuế hợp lý cho những đơn vị quan tâm đầu tư không gian, môi trường xanh...
Khép lại diễn đàn, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết và đây cũng nên là định hướng lâu dài cho du lịch Việt Nam trong điều kiện đầy biến động của môi trường.
P.V