Kinh tế

Hướng tới xây dựng thành phố thông minh

Gần đây, khái niệm về thành phố hay đô thị thông minh dần trở nên phổ biến trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế. Về cơ bản, đây là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Một góc đô thị Long Khánh.
Một góc đô thị Long Khánh.

Mô hình thành phố thông minh cũng hướng tới nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ, tăng cường tính tương tác giữa chính quyền thành phố với người dân...

* Xu hướng hệ thống điều hành tổng thể

Vừa qua, UBND tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) - trụ sở chính ở Hà Nội, tổ chức hội thảo Khung kiến trúc và giải pháp xây dựng Đồng Nai thành thành phố thông minh. Tại hội thảo, nhiều giải pháp về xây dựng thành phố thông minh được các chuyên gia trong và ngoài nước giới thiệu, tư vấn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc AIC chia sẻ, một đặc điểm dễ nhận thấy ở các thành phố phát triển trên thế giới như: Singapore, Tokyo, London... là sử dụng trung tâm điều hành thông minh để xử lý công việc của thành phố cũng như cung cấp số liệu, đưa ra các dự báo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính quy hoạch trong điều hành.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh giao Sở Kế hoạch - đầu tư làm đầu mối xây dựng lộ trình thực hiện để báo cáo UBND tỉnh. Những vấn đề về giáo dục, y tế, giao thông, phòng cháy chữa cháy... sẽ được ưu tiên xem xét trước. Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành phối hợp với đơn vị tư vấn để lập đề án xây dựng Đồng Nai thành thành phố thông minh phù hợp.

Từ trung tâm điều hành tổng thể của một thành phố thông minh sẽ kết nối với từng trung tâm thành phần như: quản lý đô thị chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế, giáo dục, quản lý việc làm, trung tâm ứng cứu khẩn cấp...

Theo đơn vị tư vấn, tại các thành phố thông minh như: Tokyo (Nhật Bản), Incheon (Hàn Quốc)..., công tác quản lý đô thị được đặt lên hàng đầu. Trong đó, các thủ tục về đăng ký, quản lý về đất đai, hệ thống quản lý quy hoạch, quản lý hạ tầng về thoát nước, cấp điện, công trình ngầm, nhà chung cư... đều được số hóa bằng các cơ sở dữ liệu thông qua hệ thống công nghệ quét 3D lazer mặt đất, công nghệ radar bay không người lái...

Cơ quan điều hành có thể truy cập mọi lúc bằng các phần mềm quản lý hạ tầng dữ liệu, nhanh chóng phát hiện những sự cố về công trình hạ tầng kỹ thuật, cũng như so sánh đối tượng, phát hiện các sai phạm mang tính trực quan thông qua hệ thống điều hành. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp được tăng cường tính tương tác, rút ngắn các thủ tục đăng ký, cũng như có thể truy cập, giám sát các khâu quản lý...

Theo các chuyên gia quốc tế, để triển khai đô thị thông minh, địa phương phải có quy hoạch tổng thể, bao gồm cả nguồn lực tài chính, kế hoạch đầu tư, quản lý, vận hành các hạng mục trong quá trình xây dựng. Việc xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh cần đảm bảo tính kết nối, tương thích với các trung tâm điều hành sẵn có, các đơn vị được chọn thí điểm xây dựng đô thị thông minh.

* Đồng Nai sẽ là địa phương thí điểm

Đồng Nai là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh của cả nước. Trong những năm qua, tỉnh đã bước đầu triển khai một số ứng dụng giám sát, điều hành thông minh như: thành lập trung tâm điều hành giao thông tập trung, giám sát hành trình xe buýt, camera giám sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, giám sát nguồn nước thải thông qua các trạm quan trắc tự động...

Tuy nhiên, áp lực về dân số làm nảy sinh nhiều tồn tại trong việc quản lý và chiến lược phát triển. Hạ tầng kỹ thuật chưa bắt kịp với tốc độ đô thị hóa, năng lực quản trị về quy hoạch, xây dựng chiến lược, năng lực công nghệ vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược thông tin - truyền thông (Bộ Thông tin - truyền thông), mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 3 đô thị xây dựng được thành phố thông minh là: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, những tỉnh, thành trong khu vực lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hải Phòng... sẽ là những địa phương tiếp theo được thực hiện.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định, xây dựng đô thị thông minh hiện là xu hướng thịnh hành ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, kết nối nhiều tiện ích cho người dân. Đối với Đồng Nai, việc xây dựng đô thị, thành phố thông minh sẽ phải được tính toán, xem xét kỹ từ tình hình thực tế của địa phương.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,425,775       21/936