Kinh tế

Anh kế toán đi làm đồ gỗ

Từ một nhân viên kế toán cho một doanh nghiệp sản xuất gỗ (ván ép mica), anh Trần Ngọc Anh (30 tuổi) đã tích lũy kinh nghiệm rồi góp vốn thành lập Công ty cổ phần Tiến Đạt Đại Thành (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) vào năm 2016 chuyên sản xuất đồ gỗ.

Anh Trần Ngọc Anh hướng dẫn công nhân vận hành máy CNC 4 đầu được sản xuất theo ý tưởng của anh
Anh Trần Ngọc Anh hướng dẫn công nhân vận hành máy CNC 4 đầu được sản xuất theo ý tưởng của anh. Ảnh:V.Gia

Năm 2018, Công ty cổ phần Tiến Đạt Đại Thành đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng ký được hợp đồng gia công cho nhãn hàng Ikea (Thụy Điển), một “ông lớn” của ngành nội thất thế giới. Không dừng lại ở đó, Giám đốc Trần Ngọc Anh và cộng sự đang tìm hướng để các sản phẩm do công ty sản xuất tìm được đường ra thị trường nước ngoài ngày càng nhiều hơn.

* Cải tiến nhỏ, năng suất lớn

Anh Ngọc Anh vốn là dân kế toán, sau khi ra trường thì về làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở Biên Hòa. Anh kế toán dần dần say mê nghề sản xuất gỗ, trong quá trình làm việc, anh luôn để tâm học hỏi với mục tiêu khởi nghiệp bằng ngành gỗ.

“Ban đầu nghề gỗ không phải là chuyên môn của tôi, nhưng càng làm việc càng thấy thích và khám phá ra nhiều điều, cảm thấy mình có thể dấn thân và phát triển được nếu có ý tưởng và dám hành động để khởi nghiệp. Trong khu vực tôi sinh sống cũng có nhiều ông chủ doanh nghiệp rất trẻ tuổi nên càng thôi thúc tôi khởi nghiệp” - anh Ngọc Anh chia sẻ.

Năm 2016, anh Ngọc Anh hợp tác cùng cộng sự thành lập Công ty cổ phần Tiến Đạt Đại Thành với ngành nghề khá đa dạng là tư vấn thiết kế kiến trúc, thiết kế, thi công nội thất các công trình như: chung cư, nhà ở, nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng, quán cà phê… và trụ sở đặt ngay trong khuôn viên của gia đình.

“Trong khi thị trường, nguồn vốn rất thuận lợi cho việc mở rộng thì trở ngại nhất chính là việc khó tuyển nhân công lành nghề. Vốn, máy móc và nguồn nguyên, vật liệu thì doanh nghiệp có thể chủ động được nhưng nhân công lành nghề, có kỹ thuật rất khó tìm. Đây là khó khăn chung của ngành gỗ hiện tại chứ không riêng gì công ty chúng tôi” - anh Trần Ngọc Anh cho biết.

May mắn vì có sẵn mặt bằng và vốn liếng tích lũy được kha khá nên công ty có nhiều bước phát triển thuận lợi dù quy mô còn nhỏ. Các đơn hàng lần lượt đến với xưởng sản xuất nhiều hơn bởi lợi thế doanh nghiệp toàn những người trẻ, xông xáo, tiếp cận khách hàng nhanh và hiểu mong muốn của khách hàng. Ngoài thiết kế, thi công nội thất thì doanh nghiệp còn đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ gỗ như: bàn, ghế, giường, tủ, gỗ dân dụng khác… “Điều hạnh phúc mà chúng tôi nhận được từ khách hàng của mình là những lời khen tặng sau khi chúng tôi hoàn thành thiết kế nội thất nhà ở, nhất là mảng nhà ở căn hộ, mang lại cho đội ngũ kỹ sư, công nhân trẻ của công ty niềm tin, tiếp tục sáng tạo ra những mẫu thiết kế mới” - anh Ngọc Anh cho hay.

Bước ngoặt lớn của công ty là trong năm 2019 được hợp tác với nhãn hàng Ikea tại Việt Nam để gia công sản phẩm cho tập đoàn này. Đơn hàng với số lượng lớn, sản xuất hàng loạt đưa lại “cú hích” và kỳ vọng lớn cho công ty, tuy nhiên khó khăn cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.

Nguyên nhân nằm ở chỗ vì là một doanh nghiệp nhỏ tiến đến sản xuất hàng loạt nên nhân công, máy móc đáp ứng không đủ. Đơn hàng yêu cầu thiết kế đơn giản nhưng phải giao hàng thường xuyên, trong khi đó, nếu làm thủ công sẽ rất lâu và các loại máy móc doanh nghiệp hiện có năng suất không cao và chất lượng không đảm bảo.

Để khắc phục khó khăn, anh Ngọc Anh nảy ra ý tưởng kết hợp 2 loại máy đục và cắt ván gỗ nhằm sản xuất được mẫu hàng đúng hạn định. Từ ý tưởng của anh, nhà sản xuất máy đã hợp tác và sản xuất ra đúng loại máy mà doanh nghiệp cần, năng suất tăng cao. “Với chiếc máy chạy tự động theo lập trình có sẵn, chỉ cần một người điều khiển, đỡ vất vả hơn nhiều so với máy kiểu cũ. Đôi khi chỉ một ý tưởng của doanh nghiệp cũng mang lại hiệu quả rất lớn” - anh Ngọc Anh chia sẻ.

* Đa dạng hóa sản phẩm, tìm hướng xuất khẩu

Ngoài thị trường trong nước, thời gian qua doanh nghiệp cũng đã bước đầu xuất khẩu mặt hàng ván công nghiệp ra thị trường thế giới nhưng số lượng chưa nhiều. Đặc biệt từ đầu năm 2019, đơn hàng gia công sản phẩm cho Ikea xuất khẩu đi Mỹ đã tạo hiệu ứng tốt và thúc đẩy công ty hướng tới thị trường xuất khẩu nhiều hơn bởi tham gia vào sân chơi lớn sẽ giúp doanh nghiệp lớn lên, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao hơn.

Mặc dù vậy, quy mô của doanh nghiệp chưa thực sự lớn để trực tiếp ký các hợp đồng lớn với khách hàng, biện pháp khả dĩ nhất là hợp tác với những bạn hàng khác để gia công sản phẩm. Từ chỗ đơn hàng dồi dào sẽ phát triển quy mô sản xuất của công ty, trên cơ sở đó đầu tư khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, năng suất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. “Hiện quy mô công ty còn nhỏ nên chúng tôi vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn khắt khe của khách hàng, do đó tiếp tục hợp tác gia công, sản xuất những đơn hàng cho các doanh nghiệp lớn như hãng Ikea sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp xúc được các khách hàng lớn nhiều hơn” - anh Ngọc Anh nói.

Cũng theo anh Trần Ngọc Anh, bên cạnh đơn hàng cho Ikea, doanh nghiệp cũng đang triển khai mẫu sản phẩm cho một đối tác đến từ Mỹ, sản phẩm sẽ được bày bán trên trang thương mại điện tử Amazon. Hiện các thiết kế sản phẩm mẫu cũng đã hoàn thiện và đang chờ phía đối tác thẩm định. Nếu vượt qua được những tiêu chuẩn khắt khe từ khách hàng thì cơ hội của Tiến Đạt Đại Thành là rất lớn đối với hàng xuất khẩu.

Văn Gia

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,122,032       4/1,024