Kinh tế

Chật vật đưa 'vật liệu xanh' vào sử dụng

Sử dụng dòng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường (vật liệu xanh gồm: gạch không nung, vật liệu làm từ chất thải...) vào các công trình xây dựng sẽ góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

Sử dụng dòng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường (vật liệu xanh) vào các công trình xây dựng sẽ góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. Dòng “vật liệu xanh” phổ biến gồm có: gạch không nung, vật liệu làm từ chất thải, vật liệu ít gây hại cho môi trường. Những dòng vật liệu trên có ưu điểm tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tuy nhiên lại chưa được thị trường thực sự đón nhận.

Giới thiệu dòng “vật liệu xây dựng xanh” cho người tiêu dùng tại Đồng Nai. Ảnh: H.GIANG
Giới thiệu dòng “vật liệu xây dựng xanh” cho người tiêu dùng tại Đồng Nai. Ảnh: H.GIANG

TIN LIÊN QUAN
Từ cuối năm 2012, Bộ Xây dựng đã đưa ra yêu cầu bắt buộc các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách phải sử dụng gạch không nung để bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích các dự án xây dựng có vốn ngoài ngân sách, các hộ gia đình dùng gạch không nung và các vật liệu thân thiện với môi trường.

* Chủ yếu được sử dụng trong dự án vốn ngân sách

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hàng chục doanh nghiệp sản xuất dòng “vật liệu xây dựng xanh” gồm gạch không nung, cát nhân tạo, kính xây dựng thân thiện với môi trường. Nhưng số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chỉ chiếm hơn 20%, chủ yếu là do tìm được thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, gần 10 nhà máy sản xuất gạch không nung tại Đồng Nai cũng đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu thị trường tiêu thụ.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, tại vùng Đông Nam bộ các công trình đầu tư công thuộc đô thị loại III trở lên phải sử dụng gạch không nung với tỷ lệ tối thiểu 90%, những khu vực còn lại phải đạt tối thiểu 70%. Tại Đồng Nai, các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách đã thực hiện theo đúng yêu cầu. Ngoài ra, các công trình vốn đầu tư công cũng dùng những vật liệu xây dựng xanh khác để ít tác động đến môi trường.

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: “Các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh do Ban làm chủ đầu tư đều sử dụng gạch không nung và những vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Quá trình các đơn vị thi công dự án, Ban thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị thi công làm đúng theo quy định”.

Dòng vật liệu xây dựng xanh hiện nay có nhiều loại cho các tổ chức, cá nhân lựa chọn. Đơn cử như gạch không nung sẽ có gạch làm từ bê tông, gạch nhẹ, tấm panel, tường thạch cao, gạch sản xuất từ chất thải công nghiệp,  kính thân thiện với môi trường... Dùng những dòng vật liệu trên trong xây dựng các công trình, nhà ở sẽ giảm thiểu được tác động xấu đến môi trường và góp phần làm chậm lại quá trình diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến thời tiết.

Ông Phạm Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH An Dương (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty của tôi chuyên thi công các công trình hạ tầng, nhà ở và thấy những dự án có vốn đầu tư của Nhà nước phần lớn sử dụng các loại gạch không nung và cát làm từ đá. Những công trình do tư nhân đầu tư vẫn sử dụng các vật liệu truyền thống là gạch nung và cát tự nhiên do còn e ngại về chất lượng của dòng vật liệu mới này”.

Thực tế, có nhiều cuộc hội thảo cấp quốc gia, cấp vùng được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, trong đó các nhà khoa học đã khẳng định chất lượng của dòng gạch không nung, cát làm từ đá và những dòng vật liệu xây dựng xanh khác có độ bền, tính chịu nhiệt tốt hơn các dòng vật liệu truyền thống, nhưng vẫn chưa gỡ được tâm lý lo ngại của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Chưa tiếp cận được thị trường lớn

Đồng Nai là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nên tập trung rất nhiều dự án về hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hằng năm, số lượng vật liệu xây dựng cần để làm các công trình khá lớn. Theo ước tính của Sở Xây dựng, mỗi năm Đồng Nai cần khoảng 1 tỷ viên gạch, 8 triệu m3 cát để thi công các công trình. Nguồn cung trong tỉnh chỉ đáp ứng được một phần, còn lại là vật liệu từ nơi khác đưa về. Dòng “vật liệu xanh” trên thị trường những năm gần đây cũng đa dạng hơn, lượng tiêu thụ có tăng nhưng vẫn rất chậm.

Tìm hiểu ở các doanh nghiệp, đại lý cung ứng vật liệu xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh, có thể thấy chỉ những dự án vốn đầu tư từ ngân sách, dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi vào tỉnh đầu tư xây dựng nhà xưởng mới có ý thức dùng dòng “vật liệu xanh” nhiều.

Một doanh nghiệp  tại huyện Nhơn Trạch xây dựng nhà xưởng bằng gạch không nung
Một doanh nghiệp tại huyện Nhơn Trạch xây dựng nhà xưởng bằng gạch không nung

Ông Khúc Minh Vương, Giám đốc Công ty cổ phần Vương Hải (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất gạch không nung block cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, khách hàng sử dụng nhiều gạch không nung là các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước rất ít dùng. Thị trường nội địa khó khăn nên công ty đưa sản phẩm xuất sang Nhật Bản và một số nước khác”.

Gạch không nung block có ưu điểm là chỉ nhẹ bằng 1/2 gạch đất sét nung, độ bền cao, chống cháy và giảm độ ồn tốt, rất thích hợp cho các công trình cao tầng. Nhưng người tiêu dùng trong nước chưa sử dụng nhiều vì giá bán của gạch này cao hơn gạch nung khoảng 30%. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng của gạch không nung khác xa so với loại gạch nung truyền thống nên việc tìm được đơn vị thi công cũng không dễ dàng.

Hơn 8 tháng của năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng của tỉnh trên 30 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách hơn 5 ngàn tỷ đồng. Hiện “vật liệu xây dựng xanh” chủ yếu dùng trong những dự án vốn ngân sách, còn những dự án vốn tư nhân rất ít sử dụng. Điều này cho thấy, thị trường nội địa của dòng “vật liệu xây dựng xanh” còn khá “lép vế”.

* Doanh nghiệp sản xuất không mặn mà

Vì đầu ra khó khăn nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư nhà máy sản xuất dòng “vật liệu xây dựng xanh”. Nhiều nhà máy đã đầu tư phải hoạt động cầm chừng vì đơn hàng có hạn.

Ông Lê Khoa, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 610 ở phường Phước Tân
(TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty có sản phẩm cát từ đá, giá khoảng 130 ngàn đồng/tấn và chỉ bằng 30% giá cát tự nhiên, song thị trường ít sử dụng nên hàng sản xuất ra rất khó bán, phải giảm công suất”.

Đồ họa so sánh giá thành vật liệu xây dựng thông thường với loại vật liệu xây dựng cùng loại thân thiện với môi trường và số lượng doanh nghiệp sản xuất các dòng “vật liệu xây dựng xanh” trên địa bàn tỉnh   (Thông tin: Khánh Minh - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa so sánh giá thành vật liệu xây dựng thông thường với loại vật liệu xây dựng cùng loại thân thiện với môi trường và số lượng doanh nghiệp sản xuất các dòng “vật liệu xây dựng xanh” trên địa bàn tỉnh (Thông tin: Khánh Minh - Đồ họa: Hải Quân)

Thực tế, nhiều doanh nghiệp khai thác đá tại Đồng Nai có kế hoạch sẽ làm cát nhân tạo từ đá cung ứng cho thị trường để giảm khai thác cát tự nhiên tại các sông và cát nhân tạo là mặt hàng hiếm hoi có giá thấp hơn cát truyền thống. Những năm qua, khai thác cát tự nhiên gây sạt lở lớn ở nhiều khu vực gần sông nên nhiều địa phương trong đó có Đồng Nai đã nghiêm cấm một thời gian và chỉ mới cho khai thác trở lại dưới sự giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, giá cao nên vẫn thường xảy ra tình trạng khai thác trái phép.

Nguồn cát làm từ đá nếu được đưa vào sử dụng rộng rãi sẽ giảm hơn 60% cát tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, chống sạt lở những khu vực gần sông và người sử dụng cũng giảm được một khoản chi phí trong xây dựng nhà ở, các công trình. Tuy nhiên, do thị trường vẫn chưa đón nhận rộng rãi nên “đường đi” của các loại “vật liệu xanh” vẫn còn chật vật.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,282,900       4/1,073