Kinh tế

Kỳ vọng ''cú hích'' từ công nghiệp

Xuất phát điểm là khu vực miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, huyện Định Quán đã có định hướng và bước tiến cụ thể trong phát huy thế mạnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế công nghiệp.

Sản xuất trái cây sấy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Phú Túc, huyện Định Quán). Ảnh: H.Lộc
Sản xuất trái cây sấy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Phú Túc, huyện Định Quán). Ảnh: H.Lộc

TIN LIÊN QUAN
Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp ở huyện miền núi Định Quán bước đầu đã mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của người dân, tạo sự chuyển dịch hợp lý trong cơ cấu kinh tế.

* Phát triển công nghiệp chế biến

Từ một huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu, Định Quán gần đây đã chuyển hướng sang các chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đặc biệt là chính sách khuyến khích thành lập hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển các cơ sở chế biến nhằm đưa sản phẩm địa phương đến người dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, tỉ trọng ngành công nghiệp huyện Định Quán đang từng bước được nâng lên.

Theo quy hoạch, Định Quán có 1 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp. Khu công nghiệp Định Quán (quy mô 161 hécta) đã hoàn thiện hạ tầng và có gần 10 doanh nghiệp đang hoạt động. 3 cụm công nghiệp là: Phú Cường (44 hécta), Phú Túc (50 hécta) và Phú Vinh (40 hécta) đang tiến hành các thủ tục và kêu gọi nhà đầu tư. Việc hình thành các cụm công nghiệp chế biến sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Đánh giá về phát triển công nghiệp ở địa phương những năm gần đầy, ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho rằng, huyện đang có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Ngoài ra, công tác xúc tiến tiêu thụ tại chỗ và xúc tiến xuất khẩu theo các chương trình của tỉnh cũng được quan tâm thực hiện nhằm giới thiệu, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản địa phương, tạo sự khác biệt mang tính cạnh tranh.

Huyện đã chủ động tìm hướng đi, cách làm mới, hiệu quả và có sự chuyển mình đáng kể, đặc biệt là nông nghiệp, lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Theo đó, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, dần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, đẩy mạnh chế biến nhằm gia tăng giá trị, tạo thay đổi trong tư duy sản xuất, từ truyền thống sang xuất khẩu.

Về tiềm lực phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Định Quán hiện có gần 31 ngàn hécta cây trồng lâu năm, trong đó, cây ăn quả chiếm 1/3. Các loại cây ăn quả có tiềm lực xuất khẩu và chế biến sâu là: xoài, chuối, mít, quýt, điều, ca cao... Trên thực tế, nhiều nông sản nông nghiệp địa phương đã xuất khẩu đi nước ngoài thông qua hợp tác xã hoặc các đơn vị liên kết như: xoài, ca cao, trái cây sấy.

Trong chăn nuôi, huyện cũng đã quy hoạch 13 khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 1,5 ngàn hécta. Ðến nay, đã có 6 khu phát triển chăn nuôi được đầu tư hạ tầng và các trang trại đã đi vào hoạt động.

* Đầu tư, sản xuất theo vùng quy hoạch

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về giao thông, đất đai, lao động, rừng, mặt nước, huyện Định Quán đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế theo 5 tiểu vùng đã quy hoạch. Bằng cách vận dụng nguồn lực của tỉnh và kinh phí của địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, phát triển các cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch...

Sản xuất ca cao xuất khẩu tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán). Ảnh: H.Lộc
Sản xuất ca cao xuất khẩu tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán). Ảnh: H.Lộc

Cụ thể, ở các xã Phú Ngọc, Gia Canh, Phú Lợi, Phú Hòa, La Ngà, với lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, huyện Định Quán khuyến khích các doanh nghiệp và nông dân đầu tư trồng và phát triển các loại cây ăn trái, đặc biệt là các cây có thế mạnh như: xoài, quýt, ca cao, điều... làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hình thức liên kết hợp tác, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, đẩy mạnh chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài.

Các xã Ngọc Định, Phú Ngọc, La Ngà, Phú Cường, Gia Canh, một phần xã Thanh Sơn, với lợi thế có rừng sinh thái tự nhiên, có Thác Mai, hồ nước sôi, có sông La Ngà và nằm trong vùng hệ sinh thái ven hồ Trị An. Bên cạnh ưu tiên phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch khám phá và mạo hiểm, huyện cũng chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sản xuất rau sạch và các loại cây ăn quả, phát triển cụm công nghiệp.

Xã Thanh Sơn với vị trí tiếp giáp khu vực rừng bảo tồn Nam Cát Tiên có định hướng phát triển kinh tế rừng, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây dược liệu. Vùng này cũng ưu tiên đầu tư hạ tầng, đặc biệt là về giao thông để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn cảnh quan và hệ sinh thái rừng.

Trong khi đó, vùng dọc quốc lộ 20 với lợi thế là trung tâm giao thông liên vùng ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là vận tải hàng hóa.

Với hướng đi cụ thể, rõ ràng trong phát triển kinh tế từng tiểu vùng, tin rằng kinh tế huyện Định Quán sẽ có bước phát triển hơn nữa, cơ cấu kinh tế ngành có sự chuyển dịch từng bước, đến năm 2030 cơ cấu ngành sẽ là nông lâm thủy sản 34%, công nghiệp xây dựng 20% và thương mại dịch vụ 46% theo chỉ tiêu của tỉnh.

Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho rằng, huyện có lợi thế là hệ thống giao thông đồng bộ. Trong tương lai, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương xây dựng xong sẽ thuận tiện hơn trong vận chuyển hàng hóa, kết nối vùng và liên vùng.

Tuy nhiên, mặt bằng chung về lương giữa các vùng trong tỉnh hiện tại khá tương đồng nên khó thu hút được lao động từ nơi khác đến huyện. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động không dám đầu tư, giao thông thuận tiện nhưng cách xa trung tâm, ảnh hưởng chi phí vận chuyển cũng là rào cản cho các doanh nghiệp. Một khó khăn khác mà huyện kiến nghị tỉnh xem xét là chỉ đạo khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất tại Khu công nghiệp Định Quán vào mùa khô.

Hoàng Lộc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,123,250       27/890