Kinh tế

Minh bạch thông tin ô nhiễm

Những ngày qua, thông tin cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng như việc nguồn nước sông Đồng Nai (đoạn từ Hóa An về Cát Lái) bị ô nhiễm vi sinh được đông đảo người dân rất quan tâm. Bởi, đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người, nhất là những thông tin về nguồn nước và không khí.

Khói mù ô nhiễm bao phủ Jakarta, Indonesia, ngày 24/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa

Đồng Nai là địa phương “sát sườn” với TP.Hồ Chí Minh, có mạng lưới giao thông dày đặc và cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất của cả nước. Nguồn nước sông Đồng Nai cũng là nguồn cung cấp nước thô chính cho sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Do đó, không có gì ngạc nhiên, thậm chí là rất chính đáng khi người dân Đồng Nai rất quan tâm đến chất lượng không khí và nguồn nước trên địa bàn mình sinh sống.

Tuy nhiên, thực tế là có vẻ như chưa hề có một thông tin nào về chất lượng không khí, nguồn nước tại Đồng Nai được các cơ quan chức năng cung cấp đến người dân trên các phương tiện truyền thông chính thống. Dĩ nhiên, khi thông tin chưa được cung cấp thì cũng chưa hề có bất cứ khuyến cáo nào được đưa ra cho người dân.

Lâu nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và đã có nhiều chính sách, định hướng liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Trong đó có việc trang bị các thiết bị đo đạc hiện đại về tình trạng ô nhiễm không khí và các trạm quan trắc để giám sát chất lượng nguồn nước mặt. Tuy nhiên, những kết quả quan trắc này dường như chỉ nằm trong “khuôn viên” các cơ quan chức năng mà chưa đến được với người dân - đối tượng quan tâm đông đảo nhất.

Lo lắng, quan tâm nhưng không được thông tin kịp thời nên việc người dân tìm đến các nguồn thông tin không chính thống là điều dễ hiểu. Tất nhiên, khi tiếp cận những kênh thông tin này, việc tiếp nhận những thông tin không chính xác cũng là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng chính là “mầm mống” cho những tin đồn, dư luận sai lệch gây hoang mang trong xã hội.

Thực tế đó đòi hỏi phải có sự minh bạch thông tin đến người dân từ phía các cơ quan chức năng, trong đó có các thông tin về chất lượng môi trường sống. Cùng với đó là những khuyến cáo hữu ích, kịp thời để người dân chủ động phòng tránh và thích ứng. Trong một xã hội “bùng nổ” thông tin như hiện nay, việc minh bạch càng trở nên cấp thiết hơn.

Lâu nay, các cơ quan chức năng vẫn luôn kêu gọi người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi những thông tin về chất lượng môi trường, những khuyến cáo còn trở nên “xa xỉ” như hiện nay, việc kêu gọi người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường chắc cũng khó để thành công.

Tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người và cũng đã được hiến định trong Hiến pháp của nước ta. Minh bạch thông tin cũng là một nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, bên cạnh những giải pháp quản lý và ứng phó với ô nhiễm môi trường, việc cung cấp các thông tin và đưa ra các khuyến cáo cũng cần được các cơ quan chức năng thực hiện một cách kịp thời. Hiện nay, khi các công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng thì các kênh thông tin đến người dân cũng đa dạng và nhanh chóng hơn. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên chủ động công bố thông tin về tình trạng ô nhiễm nước, không khí đến người dân một cách rõ ràng, kịp thời để tránh những hiểu lầm tai hại khi người dân không tiếp cận được thông tin chính thống.

Lê Văn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,123,279       30/896