Kinh tế

Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Chốt thời điểm bàn giao mặt bằng

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc Nam cửa ngõ phía Đông và được Chính phủ đưa vào danh mục quan tâm đặc biệt, bởi đây là dự án thực hiện theo Nghị quyết 52 của Quốc hội khóa XIV.

Điểm giao cắt giữa dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc
Điểm giao cắt giữa dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc. Ảnh: V.Nam

Ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ đã triệu tập Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) cùng 13 tỉnh, thành có tuyến cao tốc đi qua để đôn đốc việc giải phóng mặt bằng.

* Bàn giao mặt bằng trong quý I-2020

Thời gian qua, Bộ GTVT cũng liên tục đốc thúc các cơ quan chuyên môn của Bộ nhằm phối hợp tốt với 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng đúng theo tiến độ.

Cuối tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã vào làm việc cùng với UBND tỉnh Đồng Nai để tháo gỡ những khó khăn nhằm đảm bảo mặt bằng cho tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết, đối với dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Sở Tài nguyên - môi trường cùng với các huyện liên quan đã rất chủ động trong nhiều đầu việc, trong đó có nhiều công đoạn buộc phải ưu tiên làm trước để không rơi vào tình trạng bị động. “Đến đầu tháng 8-2019, Ban Quản lý dự án Thăng Long (đơn vị quản lý dự án của Bộ GTVT) mới bàn giao cọc mốc và đến ngày 22-8 mới bàn giao hồ sơ, Sở đã chủ động làm bản đồ thu hồi đất của dự án trước để không gây ảnh hưởng đến tiến độ chung” - ông Quế nói.

Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho hay, huyện có điểm cuối của dự án đi qua, việc giải phóng mặt bằng được giao cho huyện. Tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng là 29 hécta thuộc 60 hộ dân ở xã Lộ 25, trong đó có 8 hộ phải thực hiện tái định cư. Theo đó, công tác tái định cư cũng khá thuận lợi, bởi trên địa bàn huyện Thống Nhất đã có sẵn khu tái định cư ở xã Bàu Hàm 2.

Với TP.Long Khánh, diện tích đất thu hồi cho dự án tuyến cao tốc này không lớn, chỉ khoảng 23 hécta, trong đó có 14 hécta là đất cao su do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý. Có 4 trường hợp phải thực hiện tái định cư và cũng đã được UBND thành phố bố trí cho người dân.

Trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Huỳnh Tấn Thìn cho biết, Ban Quản lý dự án Thăng Long bàn giao hồ sơ thiết kế cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện chậm hơn so với chỉ đạo của UBND tỉnh đến 5 tháng nên tiến độ công việc có phần chậm theo. “Sau khi nhận được bản đồ thu hồi đất từ đơn vị đo đạc, UBND huyện sẽ chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tổ chức họp dân, thực hiện kiểm kê, lập hồ sơ trình duyệt” - ông Thìn nói. 

Lãnh đạo cả 3 địa phương trên đều cho biết sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho chủ đầu tư vào quý I-2020. Khó khăn lớn nhất của phần việc giải phóng mặt bằng cho dự án thuộc về địa phận huyện Xuân Lộc với diện tích trên 350 hécta, ảnh hưởng đến gần 1 ngàn hộ dân. Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cho hay, trong tháng 9 qua huyện mới lựa chọn được đơn vị tư vấn đo đạc, khối lượng công việc khá nhiều và huyện phải đề xuất xin thêm nhân sự từ tỉnh để hỗ trợ. 

* Không để bị động về vốn

Đi cùng với các thủ tục là vấn đề vốn dành cho giải phóng mặt bằng dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, cần phải đảm bảo vấn đề vốn để dự án không bị gián đoạn.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tính toán kỹ nhu cầu vốn để chi trả bồi thường trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2020 và thời điểm này sẽ áp giá bồi thường đồng loạt. Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, đến quý I-2020  phải bàn giao mặt bằng cơ bản cho chủ đầu tư, đặc biệt là các địa phương có diện tích ít như huyện Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh, huyện Thống Nhất.

Đồng quan điểm với Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề bố trí vốn cho dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long xem xét phần vốn đã bố trí cho các địa phương trong tháng 10 và 11 năm nay và phải xác định con số cụ thể để báo cáo với Bộ GTVT, trong đó nêu rõ có thể giải ngân được bao nhiêu trong năm 2019, phần còn lại xin kéo dài sang năm 2020 là bao nhiêu để không bị động.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, phần vốn đã bố trí cho Đồng Nai là hơn 600 tỷ đồng, tuy nhiên khả năng giải ngân được trong năm nay là rất thấp do công tác chi trả bồi thường rơi vào đầu năm 2020. 

Chia sẻ về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng cần thực hiện theo nhóm ưu tiên như: đất cao su, đất của các tổ chức tiến hành đền bù sớm. Tiếp theo là di dời các công trình công cộng như: đường điện, viễn thông, cấp nước và xác định rõ ai chịu trách nhiệm để làm việc với chủ công trình để nhanh chóng thực hiện di dời. Công tác xây dựng khu tái định cư trên địa bàn huyện Xuân Lộc cũng cần phải bám sát, đặc biệt phải tính toán kỹ số lượng hộ dân cần được bố trí tái định cư, tránh tình trạng bị thiếu do phát sinh, về lâu dài sẽ khó xử lý.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,121,946       2/1,023