Kinh tế

Cần chính sách cấp vùng cho công nghiệp hỗ trợ

Trong phát triển công nghiệp, các tỉnh, thành đều tập trung thu hút công nghiệp hỗ trợ, nhưng lại thiếu liên kết vùng nên khó tránh khỏi trùng lặp. Theo các doanh nghiệp, cần có quy hoạch vùng trong thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ để tránh tình trạng ngành thì thừa nguyên liệu, ngành lại thiếu.

Đồng Nai tổ chức xúc tiến thương mại tại chỗ để các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ ký kết hợp tác. K.Minh
Đồng Nai tổ chức xúc tiến thương mại tại chỗ để các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ ký kết hợp tác. K.Minh

TIN LIÊN QUAN
Các tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang thu hút công nghiệp hỗ trợ trên 3 lĩnh vực: ngành dệt may - giày da; linh kiện - phụ tùng và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Nếu không có liên kết vùng, phân ra lĩnh vực để thu hút đầu tư sẽ khó tránh khỏi tình trạng cung không gặp cầu. Như vậy mục tiêu cuối cùng là nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm rất khó đạt kết quả như mong muốn.

* Xuất lớn, nhưng nhập cũng nhiều

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, trong thời gian tới, ngoài xúc tiến thương mại nước ngoài tỉnh sẽ chú trọng xúc tiến thương mại tại chỗ để giảm nhập khẩu, tăng xuất siêu và nâng dần giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Hiện nay, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đóng góp hơn 40% GDP cho cả nước. Đây cũng là vùng có công nghiệp phát triển nhất cả nước và có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu rất lớn. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà các doanh nghiệp trong vùng xuất khẩu nhiều là thiết bị, phụ tùng; điện tử, linh kiện điện tử, xơ sợi dệt, hóa chất, chất dẻo... Thực tế những nguyên liệu này các doanh nghiệp trong vùng cũng như Đồng Nai đang phải nhập khẩu về với khối lượng lớn để sản xuất. Tuy 5 năm trở lại đây Đồng Nai đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, nhưng nguồn nguyên liệu nhập khẩu mỗi năm đều tăng.

PGS-TS.Võ Phước Tấn, Chủ nhiệm ngành Quản trị kinh doanh Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh) cho rằng, tập trung thu hút công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, sẽ nâng cao giá trị gia tăng là tất yếu trong phát triển công nghiệp bền vững. Tuy nhiên, cần có quy hoạch vùng để thu hút đầu tư cho phù hợp. Ví như Đồng Nai chuyên thu hút đầu tư công nghiệp cho ngành thiết bị, phụ tùng, điện tử, linh kiện, còn Bình Dương thu hút công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép... như vậy sẽ không bị ngành này nguyên liệu sản xuất ra dư, doanh nghiệp lại phải vất vả tìm thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, nhưng ngành khác lại không có nguyên liệu phải nhập khẩu 60-90%.

Phần lớn doanh nghiệp muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất. Vì thế nếu định hướng tốt trong thu hút đầu tư và có liên kết vùng chặt chẽ sẽ tạo thuận lợi cho các tỉnh, thành trong vùng cùng phát triển.

* Kết nối để cung ứng sản phẩm

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... tại Đồng Nai khẳng định, họ rất muốn hợp tác với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực để giới thiệu cung ứng sản phẩm cho nhau. Vì thế, trong các đợt xúc tiến thương mại tại chỗ, tỉnh hãy chọn riêng từng lĩnh vực để mời các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài tham gia cho phù hợp. Đồng thời, tỉnh nên mời cả các doanh nghiệp nước ngoài trong vùng cùng tham gia khả năng kết nối và hợp tác.

Khoảng 3 năm nay, Đồng Nai rất chú ý đến việc xúc tiến thương mại tại chỗ để kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau. Tuy nhiên, cung - cầu chưa gặp được nhau nhiều.

Ông Helmut Bode, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Schaeffler (Đức) tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Tập đoàn Schaeffler đầu tư Nhà máy sản xuất các loại vòng bi ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) để cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Nguyên liệu sản xuất của Schaeffler chủ yếu phải nhập khẩu, vì thế Schaeffler rất muốn tìm nguồn nguyên liệu tại chỗ để chủ động cho sản xuất, xuất khẩu”.

Schaeffler đặt mục tiêu tìm thêm 20-30% nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp muốn được hưởng các ưu đãi về thuế quan đều phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.

Ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành, Chủ nhiệm Chi hội Doanh nghiệp hỗ trợ Đồng Nai cho biết: “Chi hội có khoảng 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và đang cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong nước. Các doanh nghiệp trên đều đang tiếp tục tìm đầu ra để mở rộng sản xuất nên rất mong tỉnh, vùng có những kênh kết nối cho các doanh nghiệp trên từng lĩnh vực gặp gỡ nhau để cùng hợp tác”.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,276,488       10/1,037