Kinh tế

Hỗ trợ khởi nghiệp chưa sát thực tế

Từ năm 2015, Chính phủ đã có mục tiêu biến Việt Nam thành "quốc gia khởi nghiệp". Đi kèm với mong muốn đó là những chương trình, chính sách hỗ trợ cụ thể, có thể kể đến: Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Luật Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Quyết định 884/QĐ-TTG)…

Từ năm 2015, Chính phủ đã có mục tiêu biến Việt Nam thành “quốc gia khởi nghiệp”. Đi kèm với mong muốn đó là những chương trình, chính sách hỗ trợ cụ thể, có thể kể đến: Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Luật Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Quyết định 884/QĐ-TTG)…

Sinh viên các trường đang giới thiệu về các sản phẩm sáng tạo trong Ngày hội sinh viên Đồng Nai sáng tạo, khởi nghiệp.
Sinh viên các trường đang giới thiệu về các sản phẩm sáng tạo trong Ngày hội sinh viên Đồng Nai sáng tạo, khởi nghiệp. Ảnh tư liệu

Ngoài ra còn có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ở tầm địa phương, chẳng hạn Bộ Kế hoạch - đầu tư đã ban hành Nghị định 38 trong đó có quy định việc sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Hoặc riêng với lĩnh vực khoa học - công nghệ còn có đề án Vietnam Silicon Valley (VSV) - đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Bộ Khoa học - công nghệ tại Việt Nam, được khởi xướng từ năm 2013 với sứ mệnh đồng hành và hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Ở nhiều phương diện khác, các tổ chức, cá nhân, doanh nhân… cũng tích cực hỗ trợ các hoạt động và mô hình khởi nghiệp một cách khá đa dạng, thậm chí hướng đến cả việc hỗ trợ những đối tượng đặc thù có thể khởi nghiệp như: phụ nữ, thanh niên, sinh viên…

Tuy nhiên, điều thực sự cần cho những người khởi nghiệp lại chưa được xây dựng một cách căn cơ, bền vững. Đó chính là “hệ sinh thái khởi nghiệp” - tức một môi trường bền vững giúp những dự án khởi nghiệp non nớt có cơ hội tồn tại và lớn mạnh. Cho đến lúc này, mặc dù được khuyến khích, song tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp đều đang “sử dụng” chung một hệ sinh thái với tất cả các doanh nghiệp khác. Trừ một số dự án mời gọi được sự đầu tư, giúp đỡ của các quỹ đầu tư hoặc một số tổ chức đặc thù khác, đa phần doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn giá rẻ khó khăn hơn, không có chính sách ưu đãi riêng nào về thuế, không được hỗ trợ “sát sườn” về công nghệ, nhân lực… và vì vậy, một thực tế là số lượng ý tưởng và dự án khởi nghiệp nhiều, song số dự án thực sự tồn tại được lại rất ít.

Để khuyến khích khởi nghiệp một cách hiệu quả hơn, cần có những hỗ trợ sát sao với hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo môi trường cho họ tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; chính sách pháp luật; nguồn nhân lực; nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư; đối tác, khách hàng; sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới…Có như vậy, về lâu dài, các dự án khởi nghiệp mới hiệu quả và bền vững.

Vi Lâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,121,251       2/1,027