Kinh tế

'Chỉ có 10 triệu hécta đất canh tác, không thể duy trì mãi 8,6 triệu hộ nông dân'

Đó là phát biểu ấn tượng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT).

Hợp tác xã giống cây trồng Phú Thịnh (huyện Tân Phú) là địa chỉ tin cậy cung cấp giống cây trồng cho xã viên. Ảnh: B.Nguyên
Hợp tác xã giống cây trồng Phú Thịnh (huyện Tân Phú) là địa chỉ tin cậy cung cấp giống cây trồng cho xã viên. Ảnh: B.Nguyên

Theo đó, Việt Nam không thể “khư khư” giữ mãi kiểu sản xuất nhỏ lẻ “mạnh ai nấy làm”. Muốn hội nhập, phải xây dựng nền sản xuất hàng hóa lớn gắn với phát triển các mô hình KTTT, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) kiểu mới.

Hội nghị diễn ra vào chiều 14-10 và do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham dự của các bộ, ngành và địa phương.

Tại điểm cầu Đồng Nai có sự tham dự của Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng và các phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Nguyễn Quốc Hùng.

* Thoát lối mòn yếu kém kéo dài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:

“Tôi biểu dương quyết tâm đưa Nghị quyết 13-NQ/TW vào cuộc sống từ Trung ương đến địa phương. Kết quả là các HTX phát triển khá đồng đều trên các vùng miền, nhiều mô hình HTX kiểu mới với nhiều thành tích mới, những tiến bộ mới đã khích lệ tinh thần đổi mới phát triển KTTT trong thời gian tới, chứ không chỉ ở những thành tựu đã đạt được.

Tôi biết có những HTX có hàng trăm kỹ sư nông nghiệp làm ra rất nhiều sản phẩm tốt, có thương hiệu. Nhưng nhược điểm của chúng ta là chưa nhân rộng được những mô hình mới, thành công này. Các địa phương cần đồng hành và tạo mọi điều kiện hỗ trợ để tạo môi trường khởi nghiệp cho HTX ngày càng phát triển để cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, tính đến cuối năm 2018, cả nước có trên 101 ngàn tổ hợp tác; gần 22,9 ngàn HTX và 74 Liên hiệp HTX. Trong đó có trên 13,8 ngàn HTX nông nghiệp, gần 1,2 ngàn quỹ tín dụng nhân dân và trên 7,8 ngàn HTX phi nông nghiệp, tăng trên 8,5 ngàn HTX so với năm 2003; thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia.

Doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 đạt 4,4 tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với năm 2003; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng tăng lên 36,6 triệu đồng/năm, tăng gần 21 triệu đồng so với năm 2003.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đã được triển khai sâu rộng, nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương qua 15 năm thực hiện. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức phát triển KTTT trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân cũng từng bước hiểu rõ tính chất của HTX kiểu mới. HTX phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng, thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài thể hiện qua tỷ lệ 57% số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ này ở HTX phi nông nghiệp là 50-80% tùy theo từng lĩnh vực.

Các hộ thành viên tham gia HTX bán được hàng với giá cao hơn, chi phí sản xuất giảm nên thu nhập tăng lên đã khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong phát huy vai trò kinh tế hộ, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hóa lớn.

* Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế

Tuy nhiên, đóng góp của HTX vào kinh tế xã hội còn khiêm tốn, có xu hướng giảm. Cụ thể, nếu tỷ trọng của khu vực KTTT trong cơ cấu GDP là 7,49% vào năm 2003 thì hiện chỉ còn 4% GDP. Hiệu quả tăng trưởng GDP trong khu vục HTX chỉ bằng 50% các khu vực khác của nền kinh tế.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai Đỗ Phước Dũng cho biết:

“Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 389 HTX, quỹ tín dụng nhân dân và 1 liên hiệp HTX đang hoạt động, tăng 275 HTX so với năm 2003. Doanh thu bình quân của một HTX đạt trên 11,6 tỷ đồng/năm, cao hơn hẳn mức bình quân  của cả nước.

Tổng sản phẩm khu vực KTTT đóng góp vào tổng sản phẩm toàn tỉnh hiện nay là trên 0,5%, cao gấp 12,8 lần so với năm 2003. Hoạt động của HTX đang dần chuyển theo hướng đa chức năng, mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, ổn định cơ cấu tổ chức, phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Xu hướng liên kết hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp cũng được nâng lên”.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến KTTT phát triển chưa xứng với tiềm năng là: một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển KTTT; bộ máy quản lý HTX còn lồng ghép; ban hành văn bản thi hành Luật HTX mới còn chậm… Phần lớn các HTX vẫn ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ, còn yếu về năng lực tài chính, công nghệ, năng lực quản trị… Đây là nguyên nhân khiến số lượng HTX không ngừng tăng nhanh nhưng số lượng HTX hoạt động không hiệu quả, thậm chí có hàng ngàn HTX đã buộc phải giải thể. 

Ghi nhận những thành quả trong phát triển KTTT trong 15 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra, phải thẳng thắn nhìn vào những mặt còn hạn chế, yếu kém của mô hình KTTT, HTX như: tốc độ phát triển chậm, thiếu ổn định; người dân còn chưa mặn mà, thậm chí một bộ phận dân cư còn chưa tin tưởng mô hình HTX kiểu mới.

Vướng mắc lớn mà KTTT, HTX đang gặp phải là khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực, thị trường, công nghệ, cơ chế liên kết của HTX… Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vai trò của KTTT. Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng, chất lượng, đặc biệt là khả năng quản trị của đội ngũ lãnh đạo HTX.

* Tạo môi trường khởi nghiệp cho HTX

Củng cố niềm tin về định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển KTTT, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, những nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Canada… đều có kinh tế HTX rất phát triển.

Điều này cho thấy, muốn hội nhập phải xây dựng nền sản xuất hàng hóa lớn gắn với phát triển các mô hình KTTT, đặc biệt là các HTX kiểu mới. Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nhưng liệu tồn tại ra sao nếu cứ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trước tình hình biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế... “Chúng ta không thể duy trì mãi 8,6 triệu hộ nông dân như hiện nay vì Việt Nam chỉ có 10 triệu hécta đất canh tác. Con đường tất yếu chính là phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn kết với các doanh nghiệp để chủ động hội nhập. Việt Nam đang đi đúng hướng khi HTX không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà chất lượng, nhất là trình độ quản trị của các HTX đã thay đổi, ngày càng có nhiều thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ làm giám đốc HTX” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, Hội nghị toàn quốc và diễn đàn KTTT lần này nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được nhưng đồng thời cũng để nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế. Từ đó, đúc kết những bài học kinh nghiệm để xác định những quan điểm định hướng, giải pháp, kể cả về mặt nhận thức, khuôn khổ pháp lý; thể chế chính sách, tăng cường công tác quản lý nhà nước; nâng cao vai trò của các hiệp hội… để tạo ra môi trường khởi nghiệp cho HTX tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.   

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,111,972       3/1,046