Kinh tế

Tăng bán hàng vào khối ASEAN

Từ đầu năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai vào khối ASEAN tăng mạnh. Đặc biệt, sau nhiều năm nhập siêu từ thị trường này thì năm nay, Đồng Nai đã chuyển sang xuất siêu. Ngoài ra, thu hút đầu tư từ ASEAN vào tỉnh cũng tăng nhanh.

Sản xuất tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang
Sản xuất tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, 8 tháng của năm 2019, các doanh nghiệp Đồng Nai đã xuất khẩu vào ASEAN khối lượng hàng hóa trị giá 1,42 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, ASEAN cũng là thị trường mà Đồng Nai xuất siêu hơn 100 triệu USD.

* Nhiều mặt hàng tăng xuất khẩu

Từ năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, nhiều dòng thuế xuất khẩu, nhập khẩu nội khối ASEAN đã về 0%. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thương mại hai chiều với các nước trong khối.

Riêng tại Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường ASEAN đã tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2015. Những mặt hàng mà Đồng Nai xuất vào ASEAN nhiều là: dệt may, giày dép, sản phẩm từ gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, nông sản, xơ sợi dệt...

Những năm trước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhập siêu từ thị trường trên khá lớn, trong đó gồm nguyên liệu cho sản xuất may mặc, giày dép, máy móc thiết bị. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng nhập nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng là điện máy, thực phẩm, hóa mỹ phẩm.

Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch V cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các loại sợi xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Doanh thu năm 2019 dự tính khoảng 1,9 tỷ USD. ASEAN là thị trường xuất khẩu các loại sợi lớn của công ty”.

Khối ASEAN gồm 10 nước là: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei, Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar. Tổng diện tích ASEAN khoảng 4,5 triệu km2, dân số hơn 628 triệu người.

Tại Đồng Nai, hiện có hàng trăm doanh nghiệp đã đưa được hàng vào 9 nước trong khối ASEAN. Những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn vào các thị trường trên là: Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (Khu công nghiệp Nhơn Trạch V), Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa, Công ty TNHH ắc quy CSB (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3), Công ty TNHH ON Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2)...

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trước đây, công ty chỉ xuất khẩu chăn, drap, gối, nệm vào thị trường ASEAN. Gần đây, công ty xuất khẩu thêm nguyên liệu sản xuất mặt hàng trên vào ASEAN”.

* ASEAN tăng đầu tư vào Đồng Nai

Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn đầu tư của các nước trong khối ASEAN vào Đồng Nai cũng tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng từ 300-400 triệu USD. Hơn 1 năm qua, nguồn vốn đầu tư của các nước ASEAN vào tỉnh tăng thêm 570 triệu USD. Như vậy, đến đầu tháng 10-2019, các nước trong ASEAN đã đầu tư vào tỉnh khoảng 150 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5,32 tỷ USD. Những quốc gia trong khối dẫn đầu trong đầu tư vào tỉnh là Singapore, Thái Lan, Brunei.

Đồng Nai được Bộ Công thương đánh giá là nơi các doanh nghiệp tận dụng khá tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. Cụ thể là hàng hóa xuất vào những thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực trong thời gian qua tăng khá cao như: ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Các doanh nghiệp trong khối ASEAN đến Đồng Nai đầu tư vào sản xuất công nghiệp, hạ tầng, bất động sản, dịch vụ. Gần đây, khi Chính phủ khởi động dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều doanh nghiệp ASEAN cũng đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh với dự kiến sẽ tham gia vào các dự án hạ tầng, xây dựng các khu đô thị...

“Tập đoàn Amata sẽ đầu tư thành phố thông minh tại huyện Long Thành. Hiện tập đoàn đang hoàn tất hồ sơ đầu tư và tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến năm 2020 sẽ khởi công dự án” - ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Amata (Thái Lan) nói. Dự kiến, tập đoàn Amata sẽ đầu tư gần 300 triệu USD để xây dựng thành phố thông minh tại huyện Long Thành.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư đánh giá: “Thu hút đầu tư nước ngoài của Đồng Nai có chọn lọc kỹ càng nhưng nguồn vốn từ các nước, trong đó có ASEAN vào tỉnh vẫn tăng cao. Lý do vì tỉnh có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông, thủ tục đầu tư được giải quyết nhanh, chính quyền luôn đồng hành với doanh nghiệp nên mọi khó khăn của doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,265,985       39/1,041