Kinh tế

Thủ tướng: Xây dựng nông thôn mới thành thế mạnh của đất nước

Thủ tướng yêu cầu xây dựng nông thôn mới không chỉ ở đồng bằng mà còn cần thực hiện ở miền núi, xã đảo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, để người dân ở các khu vực này được hưởng lợi ích.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 19-10, tại Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Hội nghị này là một dấu mốc quan trọng để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Đến dự chương trình có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ-Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Hội nghị toàn quốc này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng nhiệm vụ thời gian tới để tiếp tục thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tới đây, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh sẽ rất khó lường, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Hội nghị cũng đánh giá, nhận diện rõ được những tồn tại, hạn chế; đưa ra giải pháp đồng bộ để khắc phục, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 54 ngày 7/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông dân ta thịnh thì nước ta thịnh"; từ đó nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Mỗi giai đoạn, thời kỳ, Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) đã đưa ra vấn đề "tam nông" (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) nhằm thống nhất trong nhận thức, chỉ đạo và huy động tổng thể nguồn lực cho phát triển 3 nội dung lớn này.

Thực hiện Nghị quyết số 26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và rất khẩn trương xây dựng Chương trình hành động, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, xác định đây là giải pháp thiết thực nhất để cụ thể hóa Nghị quyết số 26; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để vận động, huy động các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

"Nghị quyết được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc, chứ không phải chỉ riêng một huyện, một xã, một vùng thí điểm. Rất mạnh mẽ, quyết liệt. Và lần đầu xây dựng nông thôn mới được lượng hóa bằng 19 nhóm chỉ tiêu, đây vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là thước đo, vừa là cơ sở để giám sát kết quả thực hiện" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn lại kết quả sau hơn 9 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng đánh giá, chúng ta có thể phấn khởi và tự hào khi Nghị quyết của Đảng, Chương trình của Chính phủ rất đúng, trúng, đi vào lòng người, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên sức mạnh to lớn, toàn diện, lịch sử. Trước hết thể hiện ở sự chuyển biến về nhận thức một cách sâu sắc của đảng viên và toàn xã hội về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

"Đây không chỉ là nơi thực hiện chính sách xã hội đơn thuần, là khu vực yếu thế mà nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam giờ đây thực sự là tiềm năng, thế mạnh, là vị thế to lớn nếu biết khai thác và khơi dậy" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng vui mừng cho biết, kết quả nổi bật là đã hoàn thành trước 1,5 năm mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân tăng gần 3 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Nếu so với mốc thực hiện Nghị quyết 26 từ năm 2009, thu nhập bình quân người dân nông thôn lúc bấy giờ là 9,7 triệu đồng/năm thì cuối năm 2018, mức này đã là 35,9 triệu đồng, tăng 3,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% xuống còn chỉ trên 4% vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất được cải thiện thì đời sống văn hóa, tinh thần, trình độ người dân được nâng lên, đặc biệt hệ thống chính trị vững mạnh, người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc hưởng ứng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 26 của Trung ương, chưa sát sao trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, chênh lệch vùng miền còn thể hiện rõ, cho thấy việc phân bổ nguồn lực cho sự phát triển chưa đúng mức. Các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, môi trường sống cho người dân chưa đồng bộ so với kết quả phát triển hạ tầng. Bộ tiêu chí nông thôn mới đã chỉnh sửa nhưng chưa phát huy tính sáng tạo đặc thù của từng vùng, từng miền, trong cộng đồng, cấp độ dân cư và tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa...

Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua với tinh thần quyết liệt hơn, khẩn trương hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu... Thủ tướng nêu ra phương châm: Phải tận dụng tối đa các cơ hội phát triển, hạn chế thấp nhất các nhân tố bất lợi, biến nguy cơ thành cơ hội.

Nhấn mạnh phải tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập, Thủ tướng cho rằng phải mạnh dạn, quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và giữ gìn bản sắc.

Nhắc lại quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, Thủ tướng yêu cầu: “Trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành 19 chỉ tiêu giai đoạn 2010 - 2020 cần phải có mục tiêu cao hơn cả về sản xuất, cả về đời sống, môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng. Còn nhóm gần 50% số xã chưa đạt 19 tiêu chí thì phải dồn sức để hoàn thành tích cực hơn”. Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý phải tập trung lo văn hóa, chống tệ nạn xã hội, xây dựng văn hóa nông thôn.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến 2025 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, kiểu mẫu; 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% được công nhận huyện, thị xã nông thôn kiểu mẫu; có ít nhất 9 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng nông thôn mới không chỉ ở đồng bằng mà còn cần thực hiện ở miền núi, xã đảo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, để người dân ở các khu vực này được hưởng lợi ích của phát triển.

Về một số giải pháp lớn, Thủ tướng nêu rõ phải tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo thống nhất các cấp để có được đội ngũ cán bộ chuyên tập trung cho sự tham mưu, chỉ đạo; hoàn thiện bộ tiêu chí theo hướng tạo khung khổ định hướng để các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo cao nhất, để đạt kết quả tốt nhất.

Bên cạnh đó là tổng huy động nguồn lực đầu tư bằng cơ chế, hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa, riêng ngân sách tập trung cần được tăng cường bằng 2 nhóm nguồn chính. Đó là đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và chương trình mục tiêu quốc gia 2021 - 2025, đặc biệt đầu tư xã hội và vai trò hợp tác xã…trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

Trước đó, ngày 18/10, tại Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,109,579       4/1,035