Kinh tế

Sẽ cho thuê đất rừng làm du lịch

Đồng Nai hiện có hơn 160 ngàn hécta đất lâm nghiệp, trong đó bao gồm các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng. Hiện tỉnh đang tính toán mức giá để cho thuê đất rừng. Một số doanh nghiệp cũng đang đợi tỉnh ban hành quy định cụ thể để thuê đất rừng phát triển du lịch.

Rừng ngập mặn Long Thành đang được dự tính cho thuê làm du lịch sinh thái
Rừng ngập mặn Long Thành đang được dự tính cho thuê làm du lịch sinh thái. Ảnh:H.Giang

UBND tỉnh đã giao cho Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thực hiện đề cương định giá các loại rừng để lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và sớm hoàn thiện để tỉnh ban hành. Khi có bảng định giá các loại rừng, những chủ rừng trên địa bàn tỉnh sẽ căn cứ vào đó cho thuê lại rừng.

* Nhiều doanh nghiệp muốn thuê rừng

Đồng Nai là nơi còn giữ được nhiều diện tích rừng tự nhiên có sự đa dạng sinh học phong phú nên nhiều doanh nghiệp rất muốn thuê lại rừng để làm du lịch sinh thái. Tỉnh cũng đang mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch rừng. Do đó, tỉnh đã xây dựng bảng giá 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên để thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê đất rừng làm du lịch và các dịch vụ khác.

Ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho biết: “Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đang quản lý khoảng 18 ngàn hécta rừng, trong đó có những khu vực rất đẹp nên các doanh nghiệp đề nghị được thuê lại phát triển du lịch. Song hiện nay UBND tỉnh chưa ban hành  quy định về mức giá cho thuê nên ban và các doanh nghiệp đang đợi, chưa ký kết hợp đồng cho thuê đất rừng”.

Cũng theo ông Tuấn, nếu sớm có bảng định giá đất rừng thì sẽ rất thuận lợi trong việc cho thuê và khai thác vì rừng ở Đồng Nai đẹp và đa dạng về chủng loại nên rất nhiều du khách trong và ngoài nước muốn đến tham quan và khám phá. Tuy nhiên, với du lịch rừng, muốn phát triển được thì cần phải có các dịch vụ khác đi kèm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp muốn thuê lại để hình thành các tour du lịch. Phía các chủ rừng cũng mong muốn cho thuê được rừng để có thêm nguồn kinh phí để bảo vệ, chăm sóc rừng tốt hơn.

Bà Lộ Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty đang đợi tỉnh hoàn thành xong bảng giá cho thuê đất rừng thì sẽ tiến hành thuê hơn 200 hécta rừng ở huyện Vĩnh Cửu để làm khu vườn thú hoang dã (safari). Hiện vốn liếng và các loại thú đã được chuẩn bị sẵn, chỉ đợi hoàn tất hồ sơ và thủ tục cho thuê thì sẽ tiến hành thực hiện dự án”.

Ngoài đơn vị trên, các doanh nghiệp đã đăng ký vốn đầu tư vào du lịch ở Đồng Nai cũng đang đợi ký được hợp đồng thuê đất rừng trong thời gian dài để triển khai như: Công ty cổ phần The Coi (huyện Định Quán), Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Hà Nội)...

* Giữ nguyên các loại rừng

Ngoài những ý kiến ủng hộ việc nên cho thuê và khai thác đất rừng để làm du lịch, một số ý kiến cũng cho rằng, đất rừng nếu đem cho thuê làm du lịch và các dịch vụ khác mà không quản lý chặt chẽ thì có thể sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển rừng. Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, tỉnh sẽ kiểm kê tất cả các loại rừng và khi ký hợp đồng cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê sẽ có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ nhằm giữ nguyên hiện trạng rừng.

Rừng ngập mặn Long Thành đang dự tính cho thuê làm du lịch sinh thái 2
Rừng ngập mặn Long Thành đang dự tính cho thuê làm du lịch sinh thái. Ảnh: H.Giang

“Hiện Chi cục Kiểm lâm đang tiến hành kiểm kê và định giá đất rừng để trình UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến giữa năm 2020 sẽ chính thức có bảng giá. Khi cho doanh nghiệp, cá nhân thuê đất lâm nghiệp, các chủ rừng sẽ nêu rõ trong diện tích đó hiện trạng rừng như thế nào và các doanh nghiệp phải có những nghĩa vụ đi kèm là giữ nguyên hiện trạng các loại rừng” - ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho hay.

Thực tế, đất rừng cho thuê để khai thác đúng mục đích với sự kiểm soát chặt chẽ, tỉnh sẽ có thêm nguồn kinh phí cho việc bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các địa phương có rừng cho thuê làm du lịch cũng sẽ phát triển được các dịch vụ khác đi kèm, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhận định: “Đồng Nai là tỉnh còn giữ được nhiều rừng tự nhiên nhất khu vực Đông Nam bộ. Rừng Đồng Nai có sự đa dạng sinh học rất phong phú, có thể khai thác những lợi thế trên để phát triển du lịch sinh thái rừng để tăng nguồn thu cho tỉnh và góp phần phát triển kinh tế ở các huyện”.

Cho thuê rừng để khai thác du lịch sinh thái dựa trên quan điểm giữ nguyên hiện trạng tự nhiên sẽ có nguồn kinh phí tái đầu tư trong bảo vệ rừng, như vậy giúp ngân sách nhà nước giảm bớt nguồn chi hằng năm cho công tác trồng, chăm sóc rừng. Hiện nay, một số tỉnh có rừng tại Việt Nam cũng đã tiến hành cho thuê đất rừng làm du lịch và kết quả đem lại khá tốt; rừng được bảo vệ kỹ hơn và địa phương có thêm nguồn thu, ngân sách nhà nước, giảm được một nguồn chi, có thêm vốn đầu tư các công trình cấp bách.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,108,927       4/1,030