Kinh tế

Nỗ lực giữ chỗ đứng cho đường nội

Muốn tồn tại, ngành mía đường nội địa phải "giảm lượng, tăng chất" bằng hàng loạt giải pháp từ đầu tư vùng nguyên liệu đến đổi mới trong đầu tư chế biến.

Muốn tồn tại, ngành mía đường nội địa phải “giảm lượng, tăng chất” bằng hàng loạt giải pháp từ đầu tư vùng nguyên liệu đến đổi mới trong đầu tư chế biến.

Ngành mía đường trong nước đang nỗ lực giữ chỗ đứng trên sân nhà Trong ảnh: Một cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm đường Biên Hòa tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: Hải Quân
Ngành mía đường trong nước đang nỗ lực giữ chỗ đứng trên sân nhà Trong ảnh: Một cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm đường Biên Hòa tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: Hải Quân

TIN LIÊN QUAN
Với hàng ngàn hécta mía đang và tiếp tục được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, chọn cây trồng nào thay thế cho phù hợp với nhu cầu thị trường để nông dân không rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng là bài toán lớn vẫn chờ lời giải.

* Tìm lợi thế cạnh tranh

Để giữ nông dân gắn bó với cây mía, Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) đang lập dự án cánh đồng lớn cho cây mía giai đoạn 2020-2025. Hiện doanh nghiệp này đang làm mô hình điểm với khoảng 300 hécta để từ đó nhân rộng cánh đồng lớn lên quy mô 2,8 ngàn hécta vào năm 2025.

Điểm nổi bật của dự án này là doanh nghiệp đầu tư cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất theo vòng tròn khép kín từ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch mía... trong vùng nguyên liệu. Đây là nhóm giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư, đặc biệt là giải quyết được bài toán khó về vấn đề thiếu hụt lao động khiến việc thu hoạch mía bị chậm, gây rủi ro mía bị cháy. Ngoài ra, nông dân tham gia dự án sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ vay vốn giá rẻ, hỗ trợ giống, kỹ thuật…

Ông Trần Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà chia sẻ: “Vì tổng công ty mẹ của nhà máy đường có các nhà máy sữa tươi, bánh kẹo cũng như có hợp đồng cung cấp đường cho các công ty nước giải khát lớn nên không lo về đầu ra”.

Với lợi thế liên tục đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần mía đường La Ngà cũng đang tập trung vào việc xây dựng chuỗi cung ứng đường sạch, an toàn để giữ được lợi thế cạnh tranh với đường ngoại đang tràn ngập thị trường.

* Tỉnh táo trong chuyển đổi cây trồng

Bỏ cây mía, nhiều nông dân cũng đang lúng túng trong việc chọn lựa cây trồng đảm bảo các yếu tố cho lợi nhuận tốt, có đầu ra bền vững. Nhiều nông dân ở xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) từng có hàng chục năm gắn bó với cây mía. Nhưng hiện nay, hầu như không ai còn giữ cây trồng này. Hàng trăm hécta đất trồng mía ở vùng này hầu như đã được chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ông Lê Văn Phẩm, một trong những nông dân trồng mía giỏi ở xã Trị An chia sẻ, hầu hết nông dân trồng mía ở vùng này đều chuyển sang trồng các loại cây có múi cho thu nhập cao như: cam, quýt, bưởi... “Gần đây, giá bưởi, giá cam giảm mạnh do diện tích trồng tăng nhanh khiến nông dân chúng tôi rất lo lắng. Nhiều hộ chuyển từ trồng mía sang trồng mì vì còn lúng túng chưa xác định được cây trồng nào thực sự bền vững để đổ vốn lớn đầu tư” - ông Phẩm nói.

Khi Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, cơ quan nhà nước không còn quản lý việc “trồng cây gì, nuôi con gì” tại các địa phương. Theo luật mới, phát triển nông nghiệp tùy thuộc vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương chứ không do “trên áp xuống” như trước. Hiện đầu tư sản xuất con gì, cây gì hoàn toàn do nông dân chủ động quyết định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết, bước vào hội nhập, thị trường nông sản hiện nay là “thị trường phẳng” nên không thể chỉ tính ở phạm vi từng địa phương hay trong một nước. Vì vậy, nông dân cần thận trọng tìm hiểu rõ tình hình sản xuất và thị trường để tính toán lại bài toán đầu tư cho phù hợp.

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,254,759       3/1,214