Kinh tế

'Tái sinh' nghề dâu - tằm - tơ

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống ở huyện Cẩm Mỹ, song có một thời gian dài bị mai một. Vài năm gần đây, nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá cả ổn định ở mức cao, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh trở lại, nông dân có cuộc sống khấm khá hơn.

TIN LIÊN QUAN

Niềm vui của người trồng dâu nuôi tằm khi giá ổn định ở mức khá cao. Ảnh:B.Mai
Niềm vui của người trồng dâu nuôi tằm khi giá ổn định ở mức khá cao. Ảnh:B.Mai

* Giàu lên nhờ con tằm, lá dâu

Từng bôn ba ở nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng gia đình chị Võ Thị Ngọc Bích (ấp 2, xã Sông Ray) chỉ thực sự ổn định khi gắn bó với cây dâu, con tằm. Không chỉ ổn định cuộc sống, gia đình chị còn thành lập được Trại tằm giống Minh Hóa và trở thành nơi cung ứng cây dâu, con giống và bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài xã.

Huyện Cẩm Mỹ hiện có khoảng 500 hécta dâu tằm với trên 400 hộ trồng, trong đó có 250 hécta và 300 hộ trồng theo quy hoạch có liên kết đầu ra. Cây dâu tằm phân bố chủ yếu ở các xã Sông Ray, Xuân Đông, Xuân Tây, Thừa Đức. Trung bình mỗi hécta dâu kết hợp với nuôi tằm mỗi năm nông dân thu lời từ 200-250 triệu đồng.

Chị Ngọc Bích kể, trước đây vợ chồng chị từng có thời gian làm công nhân ở Bình Dương, sau đó chuyển lên Lâm Đồng hái lá dâu thuê. Biết được thông tin xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ là vùng có tiềm năng lớn phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và đang là nơi cung cấp kén tằm cho vài nơi, chị đã bàn với chồng về Đồng Nai mua đất trồng dâu.

"Lúc tôi về đây đã có nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm rồi. Tuy nhiên, việc trồng dâu, bán kén hoàn toàn tự phát. Giống tằm không đồng nhất, cách nuôi của bà con cũng không theo quy trình nên năng suất không cao" - chị Ngọc Bích nhớ lại.

Kinh nghiệm sẵn có, lại thấy trong vùng chưa có cơ sở cung cấp con giống, chị Ngọc Bích quyết định thành lập cơ sở tằm giống đầu tiên ở huyện Cẩm Mỹ. Chị nhập trứng tằm giống về nuôi cho đến khi tằm đủ lớn thì bán lại cho bà con. Thời kỳ đầu do lo ngại nguồn gốc, chất lượng giống nên rất ít khách hàng tìm đến cơ sở của chị Ngọc Bích. Tuy nhiên, sau vài vụ có hiệu quả, người này chỉ người kia, số lượng khách hàng của cơ sở ngày càng nhiều. Có những hộ chưa từng nuôi tằm cũng đến nhờ chị Ngọc Bích tư vấn và làm đối tác.

Hiện tại, huyện Cẩm Mỹ đã thành lập được 5 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, 4 điểm cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Sản phẩm đầu ra chủ yếu được Công ty dâu tằm tơ Minh Tuyết Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bao tiêu với giá dao động từ 90-150 ngàn đồng/kg tơ. Công ty này thông qua đối tác là Trại tằm giống Minh Hóa sẽ cung cấp con giống, kỹ thuật chăm sóc cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm và thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng cơ sở của chị Ngọc Bích tiêu thụ 1,6 ngàn hộp con giống (mỗi hộp nuôi thu về khoảng 60kg kén). Cơ sở cũng là nơi cung cấp giống dâu năng suất cao cho các hộ trong và ngoài huyện, đồng thời bao tiêu đầu ra cho hơn 300 hộ dân với sản lượng thu mua trung bình 5-6 tấn kén/tuần. Ngoài ra, cơ sở của chị cũng tạo được việc làm thường xuyên cho hơn 20 công nhân với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người.

Anh Hoàng Văn Đức (ấp 2, xã Sông Ray) cũng là người "mát tay" với con tằm, bởi năng suất kén anh thu về luôn vượt trội hơn các hộ nuôi khác khoảng 5kg kén tằm/hộp.

Anh Đức nhớ lại, trước đây gia đình anh chuyên trồng lúa, bắp nhưng chỉ đủ ăn, lợi nhuận gần như không có. 5 năm trước, anh Đức mạnh dạn chuyển 1,5 đất lúa sang trồng dâu nuôi tằm và kinh tế dần cải thiện. "Trung bình mỗi năm tôi thu lời khoảng 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa" - anh Đức nói. Nguyên nhân chính theo anh Đức là do vòng đời của tằm ngắn, chỉ khoảng 12-15 ngày/lứa nên mỗi năm người nuôi có thể nuôi được đến 20 lứa. Nếu nuôi tốt, mỗi hộp tằm con có thể cho đến 65kg kén. Hiện kén tằm có giá khoảng 120 đồng/kg, đầu ra không phải lo.

Kinh nghiệm nuôi tằm của anh Đức là để tằm trên hệ thống sàng chứ không thả dưới nền đất. Để hạn chế dịch bệnh, anh cho lắp đặt màn che bao quanh nhà nuôi, lắp thêm quạt và hệ thống phun sương trên mái để kiểm soát nhiệt độ, định kỳ sau mỗi lứa, anh rải vôi quanh khu vực nuôi để khử trùng. Quá trình nuôi phải phát hiện những con tằm tiềm ẩn bệnh và loại bỏ sớm, tránh lây nhiễm. Lá dâu hái về phải hong quạt cho khô trước khi cho tằm ăn để tránh nhiễm bệnh.

* Hình thành chuỗi liên kết dâu tằm tơ

10 năm về trước, ở xã Sông Ray có hàng trăm hộ trồng dâu nuôi tằm. Nhiều diện tích đất lúa, bắp, thậm chí đất trồng cây công nghiệp và cây ăn quả cũng được cải tạo trồng dâu. Vì trồng dâu tự phát theo phong trào mà không nắm được những kỹ thuật cơ bản của nghề và đặc biệt không có cơ sở cung ứng cây, con giống và bao tiêu đầu ra, nên nghề này có lúc tưởng chừng bị “xóa sổ”. Thế nhưng, gần đây, nhờ hình thành chuỗi liên kết mà hàng trăm người dân có công việc và cuộc sống ổn định.

Anh Hoàng Văn Đức đang cho tằm ăn
Anh Hoàng Văn Đức đang cho tằm ăn. Ảnh:B.Mai

Ông Trịnh Đình Hóa, chủ Trại tằm giống Minh Hóa cho rằng, kỹ thuật chăm sóc, con giống với nghề này vô cùng quan trọng. Để trở thành đối tác cung ứng cây, con giống cho hơn 300 hộ dân, ông Hóa cho rằng ngoài cung ứng giống tằm khỏe mạnh, giống dâu cho năng suất cao, còn phải thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bà con để đạt hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, những thời điểm giá kén xuống dưới 100 ngàn đồng/kg, cơ sở còn hỗ trợ bà con bằng cách cho mua thiếu giống hoặc giảm trừ trực tiếp 80 ngàn đồng/hộp giống cho người nuôi.

Để "đi xa" cùng với người nuôi, ông Hóa liên kết trực tiếp với Công ty TNHH dâu tằm tơ Minh Tuyết Bảo Lộc (một doanh nghiệp lớn về tơ lụa ở tỉnh Lâm Đồng) bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Nhờ đó, hàng trăm hộ dân an tâm với nghề, gắn bó với cơ sở, từ đó góp phần làm hưng thịnh trở lại nghề trồng dâu nuôi tằm.

Chủ tịch UBND xã Sông Ray Nguyễn Văn Hạnh cho hay, những năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm được vực dậy và phát triển mạnh mẽ. Để hình thành chuỗi liên kết dâu tằm tơ, xã cho thành lập các tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ở từng ấp và đang đề xuất huyện thành lập hợp tác xã dâu tằm. Mục tiêu của xã là đưa mô hình kinh tế tập thể này trở thành mô hình chủ lực; trồng dâu nuôi tằm là nghề chính và tơ tằm là sản phẩm đặc trưng của xã Sông Ray theo đề án Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh.              

Ban Mai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,253,007       11/1,208