Kinh tế

Thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm từ nấm sò trắng

Từ khi chuyển sang trồng nấm sò trắng, gia đình anh Vũ Văn Đại (ấp 3, xã Suối Nho, huyện Định Quán) dần trở nên khá giả. Không chỉ vậy, cơ sở của gia đình còn tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương với thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Đây là hộ trồng nấm sò trắng quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao ở xã Suối Nho.

Thu hoạch nấm sò trắng. Ảnh: B.Mai
Thu hoạch nấm sò trắng. Ảnh: B.Mai

TIN LIÊN QUAN
Trước đây, vợ chồng anh Đại đều làm công nhân cho một xưởng sơ chế nông sản ở địa phương với mức thu nhập mỗi tháng chỉ vài triệu đồng. Năm 2010, được một người quen ở huyện Cẩm Mỹ hướng dẫn trồng nấm sò trắng, sau hơn 2 tháng học nghề, anh Đại mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng mở trại trồng nấm.

Thành công từ 2 lần nhân phôi đầu tiên là động lực để gia đình anh Đại quyết tâm theo nghề. Tuy nhiên, đợt thứ 3, do mùn cưa và meo không được xử lý cẩn thận, nấm bị nhiễm bệnh và thất thu. "Khi đó chưa đủ vốn nên không thể cùng một lúc đầu tư cả nhà trồng lò hấp. Chất lượng meo nấm và mùn hấp mình thuê người ta hấp có mẻ không được tốt, nấm không trổ bông" - anh Đại nhớ lại.

Hiện tại, anh Đại đã đầu tư được 2 lò hấp mùn cưa và meo nấm, 3 trại nấm. Trung bình mỗi năm anh trồng khoảng 1 ngàn thiên bao gồm cả nấm sò trắng, nấm hồng chi và nấm mèo. Toàn bộ nấm của gia đình anh làm ra đều được thương lái ở chợ đầu mối Bình Điền (TP.Hồ Chí Minh) bao tiêu theo giá thị trường. Ngoài ra, anh còn làm khoảng 800 thiên giống cung cấp cho các hộ trồng nấm khác và nhận hấp mùn cưa, meo nấm thuê. "Năm thất tôi lời khoảng 200 triệu đồng, năm trúng 500 triệu đồng, 700 triệu đồng cũng có" - anh Đại phấn khởi nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, anh Đại cho biết mùn cưa và meo nấm phải được hấp khử trùng cẩn thận. Trại nuôi phải được khử trùng xung quanh bằng vôi hoặc thuốc. Quá trình sinh trưởng của nấm phải theo dõi thường xuyên và loại bỏ kịp thời các túi phôi chết hoặc kém phát triển. Anh Đại cho biết thêm, muốn cho phôi phát triển tốt, nấm mọc dày, chất lượng tốt, người trồng phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, đặc biệt là khâu tưới nước. Mùa mưa, trại mát mẻ và thoáng khí không cần phải tưới nước, nhưng mùa nắng phải tưới liên tục bằng hệ thống phun sương.

Với hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình trồng nấm của gia đình anh Vũ Văn Đại đã mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập của nông dân tại địa phương. Đại diện Hội Nông dân xã Suối Nho  cũng cho rằng, so với các loại cây trồng khác, mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Xã cũng đang vận động bà con chuyển đổi một phần cây ăn trái hiệu quả thấp sang trồng nấm các loại.

Ban Mai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,103,499       6/1,031