Kinh tế

Khởi nghiệp phải 'bám' vào hội nhập

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, chủ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty mới "chân ướt chân ráo" vào thị trường cần trang bị kiến thức chuyên môn vững trong lĩnh vực của mình.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, chủ các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty mới “chân ướt chân ráo” vào thị trường cần trang bị kiến thức chuyên môn vững trong lĩnh vực của mình.

Một mô hình khởi nghiệp trồng lan ở huyện Tân Phú. Ảnh: Hải Quân
Một mô hình khởi nghiệp trồng lan ở huyện Tân Phú. Ảnh: Hải Quân

TIN LIÊN QUAN
Đặc biệt, hoạt động khởi nghiệp cũng cần bắt kịp với xu hướng, cơ hội phát triển, phát huy các thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

* Chủ động cập nhật công nghệ thông tin

Các kiểu doanh nhân “chụp giựt” sẽ khó có thể phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay khi thị trường ngày càng mở, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) chuẩn bị có hiệu lực…

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật kiến thức về hội nhập quốc tế, kiến thức, kỹ năng kinh doanh thời các FTA. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệ trẻ cần trau dồi, vận dụng kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, tận dụng sự phát triển công nghệ thông tin vào nền kinh tế số trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư U&I (UniGroup) cho hay, trong các yếu tố để doanh nghiệp phát triển thì những vấn đề nội tại như nguồn vốn, chiến lược phát triển, yếu tố con người chiếm khoảng 50%, còn lại là những yếu tố bên ngoài, từ môi trường xã hội, thể chế, chính sách…

Muốn thành công, trước hết là tự bản thân doanh nghiệp phải vượt qua được chính mình, có khát vọng phấn đấu. Nhưng đồng thời và song hành với đó, chính sách hỗ trợ phải tốt, môi trường, thể chế, chính sách đi kịp với xu thế, nếu không sẽ làm cho doanh nghiệp tư nhân mất đi động lực phát triển.

Càng khó thì càng phải nên bươn chải, chịu bỏ thời gian tìm cơ hội trong lĩnh vực của mình, tìm giải pháp khác để thoát khỏi khó khăn. Rồi sẽ đến lúc tình hình tốt hơn, những doanh nghiệp trước hết phải tự cứu mình, không có cách nào khác cả.

* Đồng hành để phát triển

Theo các chuyên gia, với tốc độ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật như hiện nay, hoạt động khởi nghiệp cần đi sâu vào thực chất, đừng quá ôm đồm, hoạt động quá rộng, quá nhiều mảng mà nên tập trung vào lĩnh vực mạnh nhất, có sở trường; khi đã đầu tư phải dấn thân nhất định vào lĩnh vực mình chọn chứ không thể làm một cách hời hợt để chuốc lấy thất bại.

Thời gian vừa qua, Đồng Nai đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai, ban hành kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023 nhằm tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh và phát huy tiềm năng phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp của Đồng Nai.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là cụ thể hóa đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên cơ sở tình hình thực tiễn của tỉnh; hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của Đồng Nai; khuyến khích các ứng dụng và chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất - kinh doanh…

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, doanh nhân trẻ Đồng Nai là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội, dấn thân vào ứng dụng các mô hình phát triển doanh nghiệp mới. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, cũng như tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành với địa phương mở rộng đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ cao trong xu thế hội nhập hiện nay.

Số doanh nghiệp giải thể vẫn cao

Theo số liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng của năm 2019 là 129.868 doanh nghiệp (tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018), bao gồm: 102.274 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,9%) và 27.594 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 20,5%). Trung bình mỗi tháng có 14.429 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Ở chiều ngược lại, trong 9 tháng của năm 2019, có 61.573 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018), bao gồm: 21.243 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (giảm 7,9%), 28.254 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 6,3%) và 12.076 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,7%). Trung bình mỗi tháng có 6.841 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.  

Vương Thế - Lam Phương

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,102,157       2/1,110