Kinh tế

Doanh nghiệp nhỏ 'liệu cơm gắp mắm'

Trong những năm gần đây, nhiều mặt hàng thương hiệu Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì, mẫu mã ngày càng được cải tiến, tiện dụng.

Sản xuất các loại phôi đệm tại Công ty cổ phần sản xuất - thương mại Bogo (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh:H.Hải
Sản xuất các loại phôi đệm tại Công ty cổ phần sản xuất - thương mại Bogo (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh:H.Hải

Doanh nghiệp cũng chú ý nhiều hơn đến việc đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất theo các phân khúc phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

* Chọn phân khúc phù hợp

Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nhất là đối với những mặt hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, nước uống đóng chai… đang là “sân chơi” của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia hay các thương hiệu lớn đã tạo được danh tiếng từ lâu như: Vingroup, Vinamit, Vinamilk, TH True Milk, Masan, Tân Hiệp Phát…, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương đang có xu hướng chọn các phân khúc nhỏ, thị trường “ngách” trên thị trường để cung ứng sản phẩm, phát triển thương hiệu.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Giám đốc Công ty TNHH gấc Trọng Tín (TP.Long Khánh) cho biết công ty chuyên sản xuất các loại gấc sấy khô, tinh dầu và mỹ phẩm làm từ gấc để cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước và hướng tới xuất khẩu. Theo ông Chương, gấc là một loại cây khá dễ trồng, mang lại giá trị kinh tế cao, cũng là mặt hàng được nhiều thị trường trên thế giới quan tâm, đặt hàng vì có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Còn bà Lê Kim Lành, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - thương mại Bogo (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, mặt hàng sản xuất chủ đạo của công ty hiện nay là các phôi đệm bông ép để cung cấp nguyên, phụ liệu cho ngành chăn, gối, nệm. Lợi thế của mặt hàng này là có quy trình sản xuất không quá phức tạp, chi phí đầu vào không cao. Hơn thế nữa, sản phẩm này đang còn khá mới ở Đồng Nai nên thị phần còn khá lớn.

* Thêm nhiều sản phẩm mới

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa, độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, mức độ truyền thông của sản phẩm…

Mô hình trồng gấc để sản xuất bột gấc, tinh dầu, mỹ phẩm từ gấc của Công ty TNHH gấc Trọng Tín (TP.Long Khánh). Ảnh:H.Hải
Mô hình trồng gấc để sản xuất bột gấc, tinh dầu, mỹ phẩm từ gấc của Công ty TNHH gấc Trọng Tín (TP.Long Khánh). Ảnh:H.Hải

Do đó, để cạnh tranh giành thị phần, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương cần thường xuyên có thêm những sản phẩm mới, thêm các hương vị, gia vị mới cho sản phẩm một cách phù hợp, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ, vừa qua sản phẩm từ sen của cơ sở được chọn là một trong 12 sản phẩm sẽ xây dựng mô hình điểm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn
2019-2020.

Hiện nay, cơ sở đang phát triển nhóm sản phẩm theo chương trình OCOP của địa phương gồm: bột sen dinh dưỡng, hạt sen sấy bơ, trà lá sen, trà tim sen, trà hạt sen, trà củ sen… Trong đó, cơ sở sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hương vị sản phẩm, đa dạng về hình thức, bao bì, cũng như thay đổi mẫu logo của sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện thương hiệu.

Theo ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh), trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục mở rộng chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt, có phương án, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa địa phương.

Đồng thời, các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, bao bì, xây dựng giá trị thương hiệu cho hàng hóa, sản phẩm của Đồng Nai.

Hoàng Hải

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,247,882       12/1,197