Kinh tế

Khó kiểm soát cho vay tiêu dùng

Hiện nay, nhu cầu vay tiền để phục vụ các nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng tăng với nhiều kiểu dịch vụ hỗ trợ tài chính khác nhau. Cho vay tiêu dùng hiện có thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, không cần nhiều giấy tờ chứng minh nên được nhiều người lựa chọn.

Các quảng cáo, rao vặt về hoạt động cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp
Các quảng cáo, rao vặt về hoạt động cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp

Tuy nhiên, trên thực tế cơ chế kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng chưa chặt chẽ. Một số công ty, dịch vụ tài chính lách luật cho vay với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro cho người vay.

* Nhiều phương thức cho vay

Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động cho vay tiêu dùng phần lớn dựa trên hình thức cho vay tín chấp, không cần thế chấp. Hình thức cho vay này được chào mời với nhiều tiện ích như: thủ tục cho vay đơn giản, không cần nhiều giấy tờ, tư vấn hỗ trợ, làm hồ sơ vay trực tuyến, giải ngân nhanh, lãi suất cố định...

Người vay có thể dễ dàng vay vốn thông qua các kênh mạng xã hội, website trực tuyến hoặc chỉ cần gọi điện, gửi ảnh cung cấp các thông tin cá nhân cần thiết như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bảng lương, bảo hiểm y tế... cho các nhân viên tư vấn từ các công ty, dịch vụ tài chính là có thể dễ dàng vay được tiền. Số tiền vay nhiều hay ít thường dựa trên nghề nghiệp, mức thu nhập bình quân hằng tháng và lịch sử vay vốn của người vay, thường vào khoảng 10-200 triệu đồng...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác cảnh báo người dân về các hoạt động cho vay tiêu dùng trá hình, tiềm ẩn nguy cơ “tín dụng đen”. Đồng thời, đơn vị sẽ tuyên truyền, giới thiệu các hình thức, dịch vụ cho vay phù hợp, đảm bảo các quy định của pháp luật. Để đảm bảo lợi ích, người dân nên vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động.

Khi chúng tôi liên hệ đến số điện thoại của nhân viên tư vấn tên Lý của S.Bank - một ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai, nhân viên này chia sẻ, ngân hàng có thể hỗ trợ cho vay mức gấp 10 lần thu nhập hằng tháng của người vay theo hình thức cho vay tín chấp tùy vào điều kiện nghề nghiệp, mức thu nhập của người vay. Với khoản vay khoảng 40 triệu đồng trong vòng 2 năm thì mức lãi suất cho vay được tư vấn khoảng 1,8%/tháng tính trên dư nợ gốc, tương ứng gần 22%/năm. Số tiền cả gốc lẫn lãi người vay sẽ trả sau 2 năm vào khoảng 57,6 triệu đồng.

Thông qua trang Facebook Vay tiêu dùng TPBank, anh Tình, nhân viên tư vấn về dịch vụ này cho hay, hình thức giải ngân rất đơn giản, chỉ cần chụp ảnh giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bảng kê lương, thẻ bảo hiểm y tế... gửi qua cho nhân viên tư vấn sẽ có nhân viên trực tiếp đến gặp và xử lý hồ sơ. Người vay không cần trực tiếp đến ngân hàng, tiền vay sẽ được giải ngân thông qua thẻ ngân hàng làm mới. Với khoản vay 50 triệu đồng trong vòng 2 năm, lãi suất cho vay khoảng 1,5%/tháng tính trên dư nợ gốc, khoảng hơn 18%/năm với mức đóng cả gốc lẫn lãi khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Trên website của dịch vụ hỗ trợ tài chính Easy Credit giới thiệu mức hỗ trợ vay tiền mặt online với lãi suất ưu đãi, hoàn tiền lên tới 20% nếu hoàn trả các khoản vay đúng hạn. Lãi suất cho vay từ 1,2-6,08%/tháng, tương ứng khoảng 14,7-72,9%/năm tùy theo mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Chị Phạm, một nhân viên tư vấn của Công ty tài chính TNHH HD Saison cho hay, tùy vào mức độ tín nhiệm của người vay trong những lần vay trước đó mà mỗi người sẽ có hạn mức cụ thể để được vay. Với mức vay 30 triệu đồng trong vòng 18 tháng, lãi suất khoảng 1,5%/tháng tính trên dư nợ gốc.

Bên cạnh các khoản vay tiêu dùng nói trên, hình thức cho vay trả góp để mua sắm xe, đồ điện tử, điện máy, thiết bị gia dụng cũng ngày càng trở nên phổ biến. Tìm hiểu của phóng viên ở nhiều nơi cho thấy, người mua hàng sẽ trả lãi suất từ 16-30%/năm dưới hình thức phí khi mua hàng trả góp...

* Người vay cần thận trọng

Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng nhưng thị trường này cũng đang đối mặt với không ít thách thức, rủi ro. Thị trường cho vay tiêu dùng hiện có sự tham gia của các ngân hàng trong nước, nước ngoài và gần 20 công ty tài chính.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho hay, hiện nay phần lớn các công ty tài chính, đơn vị cung cấp các dịch vụ cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp tại Đồng Nai có trụ sở tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh nên việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp, đơn vị cho vay tiêu dùng có thể lách luật bằng những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, các khoản phụ phí khiến cho mức lãi suất cho vay cao hơn so với quy định hiện hành.

Hiện nay, các quy định về cho vay tiêu dùng vẫn dựa trên Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.

Ông Bảo khuyến cáo, khi muốn vay tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tài chính, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin chi tiết của từng khoản phí, khi vay vốn cần có hợp đồng vay mượn rõ ràng, đầy đủ theo các quy định của pháp luật, thông tin vay nợ, lãi suất minh bạch...

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc tuân thủ quy định nội bộ, quy định của pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng.

Lam Phương

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,246,789       9/1,191