Kinh tế

Giữ hương cho rượu Bến Gỗ

Rượu Bến Gỗ là một trong những đặc sản nổi tiếng của người dân khu vực Bến Gỗ (một địa danh xưa của Đồng Nai, nay thuộc phường An Hòa, TP.Biên Hòa). Rượu Bến Gỗ nổi tiếng bởi vị ngọt thơm của gạo, độ trong của rượu do được chưng cất qua nhiều công đoạn từ những người thợ nấu rượu nhiều năm kinh nghiệm.

Các công đoạn chế biến rượu phải bảo đảm đúng quy trình. Trong ảnh: Kiểm tra công đoạn ủ men rượu. Ảnh:N.Liên
Các công đoạn chế biến rượu phải bảo đảm đúng quy trình. Trong ảnh: Kiểm tra công đoạn ủ men rượu. Ảnh:N.Liên

Nhiều khách phương xa khi ghé chân TP.Biên Hòa đều mong muốn một lần được thưởng thức ly rượu gạo Bến Gỗ. Đây là một trong những sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai.

* Nghề trăm tuổi

Xuất phát từ phong tục, tập quán, văn hóa và nhu cầu mưu sinh, nghề nấu rượu được hình thành từ hàng trăm năm trước, trong những chuyến di cư của người dân miền Trung đến sinh sống tại làng Bến Gỗ (nay thuộc phường An Hòa).

Những kinh nghiệm sử dụng nguyên liệu từ hạt gạo với những bí quyết tinh hoa và sự cần cù chịu thương chịu khó của người dân làng Bến Gỗ đã cho ra những giọt rượu thơm ngon tinh khiết, không chỉ nức tiếng ở địa phương mà còn lan rộng đến các vùng lân cận, tạo nên thương hiệu của đất Đồng Nai từ thời kỳ đó - rượu Bến Gỗ.

Chọn gạo, men rượu là khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất, chiến biến rượu.
Chọn gạo, men rượu là khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất, chiến biến rượu. Ảnh:N.Liên

Nghề nấu rượu ở làng Bến Gỗ trải qua nhiều thăng trầm theo dòng lịch sử, nhưng người dân ở làng Bến Gỗ vẫn gìn giữ được những nét đặc trưng truyền thống của nghề do tổ tiên để lại. Những lò rượu được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn ngày ngày đỏ lửa, cho ra những mẻ rượu thơm nồng đặc trưng.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, chủ cơ sở nấu rượu Bến Gỗ đời thứ 3 cho biết, mỗi ngày gia đình bà nấu khoảng từ 100-200 lít rượu gạo cung cấp cho Hợp tác xã (HTX) sản xuất, thương mại, dịch vụ Bến Gỗ (HTX Bến Gỗ) và các cửa hàng tại TP.Biên Hòa. Cơ sở nấu rượu của bà cũng thường xuyên đón các khách hàng mua lẻ từ nơi xa tới tận lò để mua rượu về thưởng thức và làm quà. Theo bà Hằng, nhiều người quen với hương vị rượu Bến Gỗ nên đặt hàng bà gửi đến tận nơi mới yên tâm. Hiện tại, ngoài vợ chồng bà Hằng làm nghề nấu rượu, 3 lò rượu khác tại “làng” Bến Gỗ cũng là người trong dòng họ và 1 người con gái của bà Hằng đang theo nghề nấu rượu truyền thống.

Nhờ giữ được hương vị lâu đời, nghề nấu rượu Bến Gỗ đến nay vẫn tồn tại, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, hằng ngày lượng rượu cung cấp ra thị trường đều đặn. Điển hình như lò rượu của gia đình bà Nguyễn Thị Thu, mỗi ngày bán ra khoảng 260 lít rượu cho thị trường TP.Biên Hòa và một số khách các tỉnh, thành lân cận. “Để giữ được nghề, các lò rượu phải tuyệt đối tuân thủ các quy trình chế biến rượu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu như gạo và men ủ rượu phải được bảo đảm không sử dụng hóa chất. Để rượu có độ trong và thơm ngon, sau khi nấu phải qua khâu lọc và được chứa trong lu bằng đất. Có như vậy mới giữ được hương vị ngọt thơm riêng của rượu Bến Gỗ” - bà Thu chia sẻ.

* Gìn giữ hương vị truyền thống

Với mục tiêu phát triển và gìn giữ nghề truyền thống của địa phương, mở rộng thị trường cho sản phẩm rượu Bến Gỗ, HTX Bến Gỗ thành lập nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. HTX Bến Gỗ hiện có 26 thành viên, với khoảng 10 lò nấu rượu có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm, được truyền qua nhiều thế hệ.

Sản phẩm rượu Bến Gỗ hiện nay khá đa dạng và phong phú về hình thức, kiểu dáng, phổ biến là 3 loại: rượu gạo truyền thống, rượu nếp than và rượu ngâm chuối hột. Thành phần chính của rượu Bến Gỗ được làm từ gạo, nếp, nước sạch đã được lọc kỹ và xử lý ủ men theo tiêu chuẩn, tuân thủ quy trình sản xuất. Vì thế, rượu Bến Gỗ giữ được hương vị thơm ngon tinh khiết, đặc biệt là không có cồn công nghiệp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Rượu phải được lọc trong và đựng trong lu đất để bảo đảm hương vị.
Rượu phải được lọc trong và đựng trong lu đất để bảo đảm hương vị. Ảnh:N.Liên

Để kiểm soát tốt chất lượng rượu Bến Gỗ, HTX Bến Gỗ đã lựa chọn, hợp tác với đơn vị cung cấp nguồn nguyên liệu gạo sạch, an toàn và men ủ rượu có nguồn gốc rõ ràng. Theo đó, các lò rượu chỉ sử dụng nguyên liệu tại nơi mà HTX đã giới thiệu. Ngoài kiểm soát chặt chẽ về nguyên liệu, HTX cũng đầu tư nhà xưởng, khu kiểm tra chất lượng rượu sau khi thành phẩm từ các lò trước khi đóng chai, đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ông Phạm Văn Kim, thành viên HTX Bến Gỗ, người chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng rượu trước khi đóng chai cho biết, rượu khi ra thị trường phải bảo đảm không có vị khê, đúng độ (độ nặng, nhẹ của rượu) và trong veo. Nếu HTX phát hiện lò rượu nào dùng nguồn nguyên liệu không đúng hoặc dùng hóa chất trong quá trình chế biến thì HTX sẽ có biện pháp xử lý, khai trừ và đề nghị cơ quan chức năng rút giấy phép hoạt động, không để ảnh hưởng đến danh tiếng chung của nghề nấu rượu trăm tuổi mà người dân Bến Gỗ đã dày công gầy dựng và giữ gìn.

Dù là nghề trăm tuổi và qua nhiều thế hệ với đặc điểm lịch sử khác nhau, nhưng cách thức chế biến rượu hiện nay so với thời xưa cơ bản không có sự thay đổi. Việc sử dụng các thiết bị, vật liệu trong quá trình chế biến rượu cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học để kiểm tra, phân tích các thành phần trong rượu như hiện nay cũng không làm ảnh hưởng đến mùi vị, hương thơm đặc trưng của rượu Bến Gỗ.

Năm 2013, rượu Bến Gỗ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Việc đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa cho rượu Bến Gỗ là một thành công lớn của HTX Bến Gỗ thời kỳ đó, bởi điều kiện để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm rượu tương đối nghiêm ngặt. Rượu phải được sản xuất tại khu vực Bến Gỗ (phường An Hòa, TP.Biên Hòa). Các công đoạn chế biến, sản xuất rượu cho đến chất lượng sản phẩm cũng phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Để thương hiệu rượu Bến Gỗ phát triển, ngoài việc được bảo hộ về pháp lý, đơn vị sản xuất phải đảm bảo được chất lượng và uy tín của sản phẩm về lâu dài.

Ngọc Liên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,100,436       3/940