Kinh tế

Bài cuối: Bảo tồn, phát triển làng nghề

Nhiều làng nghề truyền thống ở Đồng Nai gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Do đó, các làng nghề không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng mà còn mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần lưu giữ và phát triển.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tham quan gian hàng mộc mỹ nghệ của làng nghề tại Hội chợ
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp tham quan gian hàng mộc mỹ nghệ của làng nghề tại một hội chợ. Ảnh: H.Giang

TIN LIÊN QUAN
Trên địa bàn Đồng Nai có hàng chục làng nghề, giải quyết việc làm cho cả chục ngàn lao động ở các địa phương. Trong đó, có những làng nghề hình thành hơn 10 năm, nhưng cũng có những làng nghề đã tồn tại 200-300 năm. Các làng nghề đã có đóng góp lớn trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở các địa phương.

* Liên kết để lớn mạnh

Trong quá trình hội nhập, có những làng nghề đã tìm ra hướng đi riêng, từng bước củng cố, lớn mạnh dần và vươn xa. Tuy nhiên, cũng có những làng nghề trong tỉnh không theo kịp với quá trình thay đổi, nhu cầu của thị trường nên dần bị thu hẹp, mai một và mất đi. Từ nhiều năm trước, UBND tỉnh đã rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển các làng nghề. Vì thế, tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ làng nghề như: đào tạo nguồn lao động, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu...

Nghề gốm truyền thống gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa. Ảnh: T.L
Nghề gốm truyền thống gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa. Ảnh: T.L

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chia sẻ, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề được UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chính. Thời gian qua, các làng nghề ở trong tỉnh gặp khó khăn lớn là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở và hộ gia đình nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của làng nghề. Bên cạnh đó, lao động cho các làng nghề ngày càng khan hiếm, dẫn đến có những cơ sở nhận được đơn hàng lớn phải từ chối vì ngại không đáp ứng kịp. Ngoài ra, sản phẩm của một số làng nghề còn đơn điệu, chưa thu hút được người tiêu dùng.

“Tỉnh đã biết rõ điểm yếu của các làng nghề, cho nên tới đây sẽ tập trung hỗ trợ các làng nghề liên kết tạo thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, ứng dụng máy móc vào một số khâu để giảm bớt nguy cơ thiếu lao động. Như vậy, các làng nghề có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn” - ông Gọi nói.

Bên cạnh đó, có những làng nghề nằm trong khu dân cư, có nguy cơ gây ô nhiễm bắt buộc phải di dời vào các cụm công nghiệp. Thế nhưng, các cơ sở làng nghề lại gặp khó khăn về địa điểm đến hoặc vốn để xây dựng nhà xưởng tại nơi mới.

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay, Sở được giao hỗ trợ phát triển nghề gốm, đúc gang, điêu khắc đá. Riêng làng nghề gốm đã được hỗ trợ di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) hoạt động khá tốt. Làng nghề đúc gang đang trong quá trình di dời vào cụm công nghiệp, song nhiều cơ sở vì vốn ít đã chuyển nghề. Làng nghề điêu khắc đá Bửu Long hiện chưa tìm được điểm đến, Sở yêu cầu TP.Biên Hòa sớm quy hoạch nơi di dời để bảo tồn và phát triển nghề điêu khắc đá.

* Xây dựng thương hiệu cho làng nghề

Hội nhập quốc tế sâu, hàng hóa trong nước sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt và các làng nghề cũng phải đối mặt với điều này. Nhiều làng nghề của Đồng Nai có sản phẩm rất đặc sắc nhưng khâu xúc tiến thương mại, quảng bá chưa tốt nên dù bán được số lượng lớn trong nước, xuất khẩu nhưng ít người tiêu dùng biết đến đó là sản phẩm từ làng nghề của Đồng Nai. Trong hàng chục làng nghề trên địa bàn tỉnh mới có 2 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là gốm Biên Hòa (TP.Biên Hòa) và nghề trồng và sơ chế nấm Bàu Cối ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh). Có được nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sẽ rất thuận lợi cho các làng nghề trong việc quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Gốm Biên Hòa được xuất khẩu sang nhiều nước. Ảnh: H.Giang
Gốm Biên Hòa được xuất khẩu sang nhiều nước. Ảnh: H.Giang

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá: “Tỉnh đang triển khai chương trình của Chính phủ là Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đây là cơ hội để các địa phương đưa những sản phẩm đặc sắc của làng nghề vào chương trình sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn từ xã, huyện, tỉnh, Trung ương để phát triển”.

Những năm gần đây, du lịch Đồng Nai tương đối phát triển, mỗi năm đón trên 3,5 triệu lượt khách. Theo một số chuyên gia kinh tế, các điểm du lịch trong tỉnh sẽ là một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm làng nghề khá tốt nếu biết cách khai thác. Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết: “Sở đã có chương trình phối hợp với ngành Công thương,  giới thiệu những sản phẩm đặc sắc của làng nghề ở một số khu du lịch, các trạm dừng chân, hội nghị trong và ngoài tỉnh để tìm các doanh nghiệp, đại lý ký kết, tiêu thụ sản phẩm”. Cũng theo ông Bằng, kênh tiêu thụ trên chưa được khai thác tốt nên thời gian tới, tỉnh sẽ có những kế hoạch cụ thể gắn kết các làng nghề với những điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để mở rộng kênh bán hàng này. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng phải nghiên cứu thị trường, đưa ra các sản phẩm đặc sắc mang dấu ấn riêng của Đồng Nai mới dễ dàng được khách hàng đón nhận.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo UBND TP.Biên Hòa phải nhanh chóng quy hoạch điểm di dời các cơ sở điêu khắc đá Bửu Long. Mục tiêu là để bảo tồn, phát triển nghề điêu khắc đá có bề dày lịch sử hơn 300 năm, lưu giữ nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của Biên Hòa - Đồng Nai.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,094,906       4/929