Kinh tế

Hướng tới phát triển du lịch bền vững

Ngày 8-11, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn tổ chức Hội thảo Du lịch Đồng Nai hướng đến phát triển bền vững. Hội thảo tập trung vào các vấn đề liên quan đến khai thác, xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái và nguồn nhân lực trong phát triển du lịch bền vững tại Đồng Nai.

Du khách du ngoạn tại bàu Nước Sôi - Thác Mai (huyện Định Quán) bằng thuyền hơi. Ảnh: H.quân
Du khách du ngoạn tại bàu Nước Sôi - Thác Mai (huyện Định Quán) bằng thuyền hơi. Ảnh: H.Quân

* Cần tạo được “rổ hàng” du lịch nổi bật, đặc sắc

Đồng Nai có nhiều địa danh, phong cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên, suối Mơ (huyện Tân Phú), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu), thác Giang Điền (huyện Trảng Bom)…

Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các khu, điểm hiện tại với mạng lưới giao thông nội bộ (gồm hệ thống đường và phương tiện vận chuyển) tương đối thuận lợi. Hệ thống giao thông - vận tải kết nối khá hoàn chỉnh đã tạo điều kiện  vận chuyển du khách đến địa điểm du lịch.

Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, toàn tỉnh hiện có 24 khu, điểm du lịch với 129 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao… Trong 9 tháng của năm 2019, Đồng Nai đón khoảng 3,5 triệu lượt du khách đến tham quan tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn với doanh thu khoảng 1,2 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm ngoái.

Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH du lịch thuyền buồm Đông Dương (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, Đồng Nai có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đường sông, bởi dòng sông Đồng Nai có nhiều lợi thế về cảnh đẹp, các giá trị về truyền thống, lịch sử và văn hóa ven sông. Tuy nhiên, muốn phát triển được tuyến du lịch sông Đồng Nai thì địa phương nên chú trọng tạo được các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút, giới thiệu cho khách du lịch. Từ đó, căn cứ vào lượng khách để có những kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững, hướng tới du khách cao cấp…

Còn theo ThS.Lý Tất Vinh, giảng viên Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh, quan sát nhiều chương trình tour hiện đang chào bán cho du khách trong nước và quốc tế tại quầy giao dịch hoặc trên các website của công ty du lịch, lữ hành như: Saigon Tourist, Vietravel, Bến Thành Tourist, Fiditour… thì không dễ để tìm các chương trình tham quan du lịch Đồng Nai. Thông thường các khu, điểm du lịch của tỉnh thường chỉ là những điểm dừng chân trong khi thực hiện các chương trình du lịch xa hơn, dài ngày hơn.

Điều này chứng tỏ, việc kết nối các khu, điểm du lịch của tỉnh vẫn chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với các công ty du lịch, lữ hành lớn. Các điểm du lịch tiềm năng của địa phương chưa đủ sức hấp dẫn các công ty du lịch, lữ hành để xây dựng các chương trình tour chào bán cho du khách trong nước và quốc tế.

TS.Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện Du lịch (Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, địa phương cần có phương án phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực tại từng điểm du lịch, tạo nên “rổ hàng” nổi bật, đặc sắc nhất để quảng bá trên các kênh truyền thông, các ứng dụng, website về du lịch…

* Tạo nguồn nhân lực “đúng và trúng”

Song song với xây dựng thương hiệu cho du lịch Đồng Nai, nhất là các loại hình du lịch sinh thái rừng, sông, hồ... các nhà nghiên cứu về du lịch và đại diện nhiều công ty lữ hành cũng đề xuất ý kiến liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch của tỉnh.

Bà Dương Thị Ngọc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới hoang dã (huyện Tân Phú) cho rằng việc phát triển du lịch sinh thái cần có kế hoạch, lộ trình phù hợp; cần xác định được giá trị cốt lõi trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với những giá trị văn hóa, bản sắc của địa phương. Đặc biệt là có phương án kết nối, khơi gợi tiềm lực của người dân địa phương, nhất là nông dân.

Bà Đàm Thị Huỳnh Mai, đại diện một công ty dịch vụ du lịch, lữ hành ở TP.Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tour về Vườn quốc gia Cát Tiên được nhiều du khách quan tâm. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở đây còn thiếu. Gần đây nhất khi liên hệ với một khu lưu trú tại đây, tôi thấy việc phản hồi còn chậm, hầu như chỉ có một nhân viên của khu quán xuyến các công việc từ tư vấn, tiếp nhận đến phản hồi cho  du khách”.

Theo bà Mai, việc thiếu nhân lực sẽ khó để tiếp đón du khách một cách chuyên nghiệp, do đó cần đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn ở các địa điểm nghỉ dưỡng, lưu trú.

ThS.Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn nhận định, với vị trí gần TP.Hồ Chí Minh cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

“Qua quá trình thực hiện các báo cáo nghiên cứu về du lịch ở Đồng Nai, tôi nhận thấy một trong những yếu tố quan trọng tác động tới việc phát triển du lịch ở địa phương là phát triển nguồn nhân lực vừa đảm bảo đủ số lượng ở các khu, điểm du lịch vừa đảm bảo chuyên môn, kỹ năng phục vụ, trau dồi các kiến thức, nâng nhận thức về cộng đồng, giá trị của địa phương. Điều này sẽ tạo tiền đề để giải quyết điểm “nghẽn” về du lịch trong tỉnh” - ThS.Phan Bửu Toàn nhận định.

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động quảng bá du lịch được tăng cường, đầu tư cả về hình thức và nội dung thông qua website của Trung tâm xúc tiến du lịch Đồng Nai. Sở cũng đã phối hợp với VNPT tăng cường các giải pháp du lịch thông minh, quảng bá, giới thiệu du lịch Đồng Nai thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Đồng thời Sở ghi nhận các ý kiến đóng góp, phản biện tại hội thảo để tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch, phương án phát triển du lịch Đồng Nai theo hướng bền vững, phát huy các tiềm năng du lịch, điều kiện tự nhiên, vị trí chiến lược của tỉnh khi là đầu mối của nhiều tuyến đường giao thông quan trọng.

Đồng Nai sẽ tiếp tục cải cách hành chính, có thêm các chính sách khuyến khích, mời gọi đầu tư vào du lịch, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch; chú trọng xây dựng thương hiệu cho du lịch Đồng Nai theo hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với nâng cao giá trị cộng đồng, bản sắc văn hóa địa phương.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,242,495       8/1,007