Quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp tỉnh là quy hoạch quan trọng, có tính nền tảng và được Chính phủ phê duyệt 10 năm/lần và 5 năm cho điều chỉnh một lần.
Tại cấp huyện, mỗi năm đều có đề xuất điều chỉnh quy hoạch SDĐ cho phù hợp.
Huyện Long Thành là nơi có nhu cầu chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Ảnh: H.Giang |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Nên chọn đơn vị tư vấn giỏi
Trên địa bàn tỉnh có gần 22 ngàn hécta chuyên trồng lúa nước 2-3 vụ/năm và hơn 9,6 ngàn hécta đất trồng lúa 1 vụ/năm. Diện tích trồng lúa 1 vụ/năm chủ yếu dựa vào nước mưa, năng suất thấp, chuyển qua trồng cây ăn trái lợi nhuận tăng 5-15 lần. |
Năm 2019, Quốc hội và Chính phủ đã có những đợt giám sát, kiểm tra đất đai tại Đồng Nai, và vấn đề nhận được nhiều góp ý nhất vẫn là tỉnh cần tiến hành điều chỉnh lại để tránh việc quy hoạch SDĐ và quy hoạch xây dựng diễn ra với tần suất khá liên tục. Một số đại biểu lo lắng, điều chỉnh quy hoạch SDĐ thường xuyên nếu không cẩn thận rà soát có thể phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh.
Quy hoạch SDĐ cho từng giai đoạn hiện nay đều được các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh thuê các đơn vị tư vấn thực hiện. Trong thời gian khoảng 1 năm, hầu hết các địa phương trên cả nước đều triển khai công tác quy hoạch SDĐ nên việc tìm ra những đơn vị tư vấn giỏi để làm quy hoạch cho phù hợp là điều không dễ.
Thực tế, với quy hoạch SDĐ nếu làm vội vàng, thiếu tầm nhìn xa về dự báo xu thế phát triển kinh tế, xã hội trong 5-10 năm sau thì sẽ dễ bị lạc hậu, liên tục phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh quy hoạch liên tục hằng năm sẽ tốn thời gian, công sức, tiền bạc và còn làm các dự án kéo dài, chậm tiến độ, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, các địa phương phải chọn được đơn vị tư vấn giỏi để làm quy hoạch SDĐ trong 10 năm tới, đảm bảo theo kịp với tốc độ phát triển của từng địa bàn. Quy hoạch SDĐ sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh và nếu làm tốt, quá trình triển khai sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giúp địa phương kịp thời nắm được các cơ hội để phát triển.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Thời gian qua, nhiều quy hoạch khác còn “vênh” với quy hoạch SDĐ, dẫn đến quá trình triển khai các dự án mất nhiều thời gian điều chỉnh. Do đó, dịp này tỉnh yêu cầu các địa phương thuê đơn vị tư vấn có tầm, rà soát kỹ hiện trạng đất đai, dự báo nhu cầu phát triển trong tương lai để làm quy hoạch SDĐ cho sát với thực tế”.
* Quy hoạch nhiều dự án
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Quy hoạch phải điều chỉnh liên tục là do hai khả năng, một là do quy hoạch thiếu tầm nhìn xa nên khi triển khai không phù hợp thực tế, phải liên tục điều chỉnh, hai là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dự báo không theo kịp. Vì thế, giai đoạn tới, công tác quy hoạch phải làm thật tốt, chọn những nhà tư vấn có tầm nhìn xa để các dự án khi được cấp phép đầu tư có thể triển khai nhanh”.
Các dự án về kinh tế, xã hội khi được triển khai nhanh (đặc biệt với các dự án giao thông) sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành đóng góp lớn nhất cho ngân sách cả nước, việc tạo ra đột phá trong phát kinh tế cũng đồng nghĩa với việc tăng nộp ngân sách thêm so với trước.
Trong giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai sẽ có nhiều dự án giao thông cấp quốc gia, cấp tỉnh hoàn thành và đi vào khai thác. Đây sẽ là lợi thế để phát triển hàng loạt các dự án về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, khu dân cư đi kèm.
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến Đồng Nai tìm hiểu và đề xuất sẽ đầu tư vào nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Để đón được “làn sóng” đầu tư vào tỉnh ở nhiều ngành nghề khác nhau thì phải làm tốt quy hoạch SDĐ. Bởi khi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh mà các quy hoạch đã được đồng nhất, sẽ rút ngắn thời gian làm hồ sơ, thủ tục. Dự án triển khai nhanh, sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đồ họa thể hiện tổng diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng) và đất phi nông nghiệp theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 của Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt. (Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Tỉnh đang thực hiện rất nhiều dự án, do đó với quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030, các huyện, thành phố phải làm nhanh để không gây gián đoạn các dự án. Trong những năm tới, Đồng Nai sẽ có thêm nhiều dự án trên các lĩnh vực nên các địa phương phải tính toán quy hoạch SDĐ cho thích hợp”.
* Cần thêm nhiều đất phi nông nghiệp
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm tới, các địa phương như TP.Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom trở thành những nơi có nhu cầu cao trong việc chuyển đổi nhiều đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, du lịch, dịch vụ...
Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết: “Huyện đang rà soát lại hiện trạng các loại đất trên địa bàn, sau đó lấy ý kiến người dân để tiến hành quy hoạch SDĐ giai đoạn sau cho phù hợp. Nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ được huyện đề xuất UBND tỉnh cho chuyển sang đất phi nông nghiệp để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn”.
Huyện Trảng Bom hiện có hơn 1.440 hécta đất trồng lúa, năng suất lợi nhuận từ cây lúa mang lại rất thấp so với nhiều cây trồng khác. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2030, nhiều dự án lớn về khu công nghiệp, tổng kho trung chuyển sẽ được triển khai nên huyện sẽ giảm đất lúa, đất trồng cây hằng năm, lâu năm để quy hoạch đất phi nông nghiệp nhằm thực hiện các công trình, dự án.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức phân tích, huyện Long Thành là nơi tập trung nhiều dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật như: Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, hương lộ 10, các đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành... nên trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 sẽ phải điều chỉnh nhiều đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng lúa) sang đất phi nông nghiệp để thực hiện.
“Huyện sẽ mở thêm 4 khu công nghiệp và một số khu đô thị nên sẽ giảm đất nông nghiệp để quy hoạch đất phi nông nghiệp cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đất ở. Long Thành đang tiến hành kiểm tra lại hiện trạng đất đai để quy hoạch SDĐ giai đoạn sau theo kịp với nhu cầu phát triển của địa phương” - ông Đức nói.
Huyện Long Thành hiện có diện tích gần 43,1 ngàn hécta, trong đó gần 34,7 ngàn hécta đất nông nghiệp và hơn 8,3 ngàn hécta đất phi nông nghiệp. Dự kiến trong giai đoạn tới đất nông nghiệp của huyện sẽ giảm mạnh.
Hương Giang