Kinh tế

Chuyển hướng đầu tư cà phê sạch

Cà phê vẫn là loại nông sản được Đồng Nai xác định là mặt hàng chủ lực được tập trung đầu tư chế biến sâu trong đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo đó, giữ được những vùng chuyên canh cà phê 4C vẫn là mục tiêu đặt ra của tỉnh trong phát triển cây trồng này.

Đồng Nai đứng đầu cả nước về ngành chế biến cà phê. Trong ảnh: Công nhân đóng gói cà phê tại Công ty cổ phần thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên
Đồng Nai đứng đầu cả nước về ngành chế biến cà phê. Trong ảnh: Công nhân đóng gói cà phê tại Công ty cổ phần thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn của Đồng Nai đều đẩy mạnh đầu tư chế biến mặt hàng cà phê. Tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cho mặt hàng nông sản vẫn đang giữ vị trí thuộc tốp đầu xuất khẩu này.

* Vẫn là nông sản chủ lực

Đồng Nai đã hợp tác với Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) để xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, cây cà phê vẫn được chọn là nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh với nhóm giải pháp xây dựng được các chuỗi giá trị, tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả và bền vững cho mặt hàng này.

TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp đánh giá: “Cà phê vẫn là mặt hàng nông sản thuộc tốp đầu xuất khẩu của Việt Nam. Đồng Nai nằm trong nhóm 10 tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất Việt Nam. Đóng góp của tỉnh vào sản xuất cà phê của cả nước cũng rất lớn”.

Cụ thể, số liệu thống kê năm 2018, tổng khối lượng cà phê nhân xanh, cà phê rang xay và hòa tan của cả nước trên 1,8 triệu tấn thì Đồng Nai sản xuất được 988 ngàn tấn, chiếm 55% tổng sản lượng cả nước. Đồng Nai thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành sơ chế, chế biến cà phê, trong đó đã bước đầu chế biến sâu. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn trong nước đóng vai trò tích cực trong tiêu thụ, sơ chế, chế biến.

Một số doanh nghiệp bước đầu dẫn dắt chuỗi giá trị chế biến sâu. Cụ thể, Nestlé Việt Nam vừa đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất 2.500 tấn cà phê/năm ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Công ty cổ phần cà phê Tín Nghĩa cũng khánh thành nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm giai đoạn 1 ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Không chỉ những tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp tư nhân trong ngành cà phê cũng đang mở rộng đầu tư vào chế biến.  

* Đầu tư vùng nguyên liệu sạch

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh vừa ký Quyết định số 3418/QĐ-UBND của UBND tỉnh nhằm triển khai dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê 4C trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và huyện Tân Phú. Dự án có quy mô diện tích là 300,65 hécta; được thực hiện tại các xã Xuân Quế, Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) với diện tích 81,85 hécta và xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) với diện tích 218,8 hécta.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế là cái nền chung để từng địa phương căn cứ trên thế mạnh riêng mà chủ động ứng dụng vào thực tế. Trong đó, đầu tư chế biến sâu là định hướng đúng để xây dựng chuỗi liên kết, phát triển bền vững cho nông sản thế mạnh của Đồng Nai. Điều quan trọng là phải hình thành được chuỗi liên kết với nông dân để phát triển toàn diện và nông dân cũng được hưởng lợi từ chương trình.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, địa phương rất quan tâm khuyến khích nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn cà phê 4C để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Thời gian qua, diện tích cà phê của huyện giảm mạnh là do những vùng cà phê trồng lâu năm, già cỗi, kém hiệu quả nên nông dân chặt bỏ. Nhưng cây trồng này nếu được đầu tư lại theo hướng sử dụng giống mới năng suất cao, chuyên canh an toàn thì vẫn có lợi thế cạnh tranh. “Chúng tôi mong doanh nghiệp là chủ đầu tư của dự án cà phê 4C phải triển khai quyết liệt hơn nữa, thực sự đồng hành với nông dân để dự án có sức thuyết phục hơn” - ông Thắng chia sẻ.           

Dự án NESCAFÉ Plan của Nestlé Việt Nam đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế 4C (Common Code for Coffee Community). Quy trình này đảm bảo hạt cà phê thu hoạch do quá trình quả chín tự nhiên, đảm bảo sản phẩm không nhiễm kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chỉ tiêu vi sinh vật, các độc tố vi nấm, chỉ tiêu lý hóa đều được đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng. Trên 27 triệu cây giống năng suất cao, kháng bệnh được hỗ trợ cho nông dân tái canh 21 ngàn hécta cà phê già cỗi, tập huấn hơn 220 ngàn nông dân về kỹ thuật, thông tin thị trường, kinh tế nông hộ và thành lập tổ/nhóm nông dân.         

Khắc Giới

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,093,596       2/931