Kinh tế

'Nếu muốn kinh doanh lâu dài thì sự chính trực là điều không thể thiếu'

Ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV (2011-2014); Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư U&I (tỉnh Bình Dương). Ông đã gầy dựng nên một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề với gần 40 công ty hoạt động trong 8 lĩnh vực (bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, dịch vụ) chỉ từ một công ty nhỏ ban đầu.

Ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV (2011-2014); Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư U&I (tỉnh Bình Dương). Ông đã gầy dựng nên một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề với gần 40 công ty hoạt động trong 8 lĩnh vực (bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, dịch vụ) chỉ từ một công ty nhỏ ban đầu.

Ông Tín chia sẻ, bất kỳ ai muốn đi vào con đường kinh doanh cần hiểu mình sẽ phải đối diện với những chông gai gì, chuẩn bị ra sao và phải đối diện với thất bại như thế nào. Tuy nhiên với ông, được làm doanh nhân là điều hết sức thú vị. Doanh nhân tạo ra nhiều giá trị bằng sự đầu tư và sức sáng tạo và doanh nhân chân chính không bao giờ làm điều gì gây hại cho xã hội.

* Không có gì là dễ dàng

* Nhìn lại quá trình phát triển doanh nghiệp của mình, ông thấy “khởi nghiệp” khó hay dễ?

- Khó chứ. Không có chuyện gì dễ cả. Đến cả chuyện cầm ly nước lên để uống cũng có khi người ta làm đổ nước mà. Nói như thế không có nghĩa là làm kinh doanh quá khó, tôi tin bất kỳ ai chịu dấn thân, luôn khiêm tốn học hỏi đều có thể làm được.

* Chính phủ khuyến khích khởi nghiệp và muốn xây dựng Việt Nam thành một “quốc gia khởi nghiệp”. Tuy nhiên, liệu có nên khuyến khích khởi nghiệp theo dạng đại trà, phong trào “nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp” hay không, thưa ông?

Ông Mai Hữu Tín sau khi tốt nghiệp đại học, bắt đầu công việc từ một phiên dịch tiếng Anh của Liên hiệp Công ty XNK Sông Bé vào năm 1988 (19 tuổi) và là người Bình Dương đầu tiên đạt điểm TOEFL 650. Năm 2004, ông tốt nghiệp Tiến sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ. Ông cũng là một trong số ít những người Việt Nam đầu tiên được chọn tham gia học bổng Eisenhower của Mỹ năm 2013. Năm 23 tuổi, ông Tín được thuê làm giám đốc một doanh nghiệp khá lớn. Sau 10 năm làm thuê, ông quyết định khởi nghiệp, từ một công ty nhỏ, sau 20 năm ông đã có gần 40 công ty con được đánh giá cao về sản phẩm và tầm ảnh hưởng.

- Theo tôi là không. Kinh doanh là sử dụng vốn để tạo ra số vốn lớn hơn. Vốn đó có thể là tiền, cũng có thể là tri thức, là kinh nghiệm quản lý. Nếu là vốn của mình thì làm gì là tùy vào mỗi người. Một người có làm mất hết vốn thì đó là vốn của chính họ, họ có quyền làm như vậy. Có thể họ sẽ học được vài điều thú vị từ mất mát đó.

Nhưng nếu đi huy động vốn từ người khác, nhất là từ người thân, từ bạn bè của mình, thì người khởi nghiệp đang đặt mình vào những rủi ro rất lớn. Nếu làm mất đi số vốn của người khác thì cái họ mất sẽ vô cùng lớn và có khi sẽ không bao giờ khôi phục được những quan hệ tốt đẹp từng có, bởi khi huy động và làm mất vốn, họ đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khác.

* Những yếu tố nào ông cho là “khắc nghiệt” nhất với một doanh nghiệp non trẻ ở thời kỳ đầu xây dựng? So với thời ông mới khởi nghiệp thì hiện nay, doanh nhân có những điểm nào thuận lợi hơn và những thử thách nào mà ngày trước không có?

- Hầu hết doanh nhân đều sẽ trả lời “đó là tiền” với câu này. Doanh nhân nào tay trắng khởi nghiệp thì đều thấy tiền là khó khăn lớn nhất. Thời tôi khởi nghiệp chưa có các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư “thiên thần” hoạt động ở Việt Nam như bây giờ. Nhưng nếu nhìn nhận toàn diện thì tôi cho rằng sự thành bại của thế hệ chúng tôi hay của các bạn trẻ bây giờ đều như nhau. Ở đâu, lúc nào thì sự phù hợp của mô hình kinh doanh mà một người khởi nghiệp muốn theo đuổi và khả năng triển khai mô hình đó đều rất cần. Mô hình sai và triển khai tệ hại thì thất bại. Với tôi thì điều này luôn đúng.

* Ông đã từng thất bại trong sự nghiệp chưa? Và cách mà ông đối diện với sự thất bại đó như thế nào?

- Tôi đã thất bại với khoảng 10 doanh nghiệp do tôi lập ra hoặc mua lại. Nhưng điều thú vị với kinh doanh là người ta luôn có thể làm lại. Theo tôi, một người có thể mất rất nhiều tiền nhưng nếu không để mất uy tín, không để mình bị đánh giá là một kẻ lừa đảo thì khi đó họ vẫn còn cơ hội. Do đó, sự chính trực là tiêu chí không thể thiếu với người muốn kinh doanh lâu dài.

* Chỉ cần “biết mình là ai”

 Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được coi là nghị quyết mở đường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, ghi nhận sự đóng góp lớn lao của lực lượng doanh nghiệp tư nhân. Song thành thật mà nói, theo ông, doanh nghiệp tư nhân đã có một vị thế xứng đáng với đóng góp của họ cho xã hội hay chưa? Liệu sau Nghị quyết 10, họ còn bị “phân biệt đối xử” với các thành phần kinh tế khác như trước hay không?

Ông Mai Hữu Tín là cựu Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; hai lần được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XII (Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội), khóa XIII. Ông nổi tiếng với những thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) đình đám với các vụ “giải cứu” các thương hiệu lớn như: Bồn nước inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành... Ông cũng là người sáng lập thương hiệu UniFarm.

- Thú thật là tôi không còn thời gian quan tâm nhiều đến các việc khác ngoài chuyện kinh doanh hằng ngày và vài việc xã hội mà tôi tình nguyện đóng góp.

Nhưng nhìn rộng ra thì một doanh nghiệp cũng như một quốc gia thu nhỏ. Môi trường làm việc ở doanh nghiệp như một bản thu nhỏ của môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia. Khi bị ứng xử tệ thì người tài bỏ đi. Môi trường kinh doanh tệ thì doanh nhân sẽ tìm chỗ khác có đất dụng võ tốt hơn để đầu tư. Thế thôi. Người ta có thể đặt câu hỏi về ý thức dân tộc, về lòng yêu nước của doanh nhân, hoàn toàn có thể. Nhưng chẳng ai cấm họ lập cơ nghiệp thành công ở chỗ khác và dùng chính nguồn lực đó đóng góp vào việc xã hội ở quê mình. Đương nhiên, nếu doanh nhân Việt thành công được trên đất Việt Nam thì còn gì bằng.

* Với một doanh nhân thành công và có tên tuổi, xã hội tôn trọng nhưng cũng kỳ vọng nhiều. Ông có bao giờ bị áp lực về những gánh nặng đó?

- Tôi không có những áp lực đó, với tôi thì làm doanh nhân hay làm bất kỳ nghề nghiệp gì thì cũng có đóng góp, giỏi giang thì đóng góp nhiều, không thì cứ làm theo khả năng của mình. Đừng cố gắng “gồng mình” lên. Tôi biết tôi có thể làm gì và tôi nhìn những doanh nhân lớn với sự kính trọng. Nhưng tôi là tôi. Cũng như mỗi người sẽ luôn là chính họ. Tôi nghĩ khi đã thực sự nhìn nhận trung thực về chính mình thì không có gì để “khoe mẽ”, cũng không có gì để phải sợ hãi. Cứ sống đơn giản thì mọi việc cũng sẽ đơn giản theo.

Ông có vẻ là một người “hoàn hảo” ở nhiều vai trò: doanh nhân, chính trị gia và kể cả một… võ sư. Ông thích vai trò nào nhất? Ở mỗi vai trò, ông rút ra được điều gì cho bản thân? Và điều cuối cùng quan trọng nhất với một con người khi sống trên đời, theo ông là gì?

- Tôi thích vai trò là một công dân Việt Nam nhất, bởi tôi nhìn thấy còn quá nhiều việc mà đất nước này có thể làm để thành một cường quốc được mọi người nể trọng. Và tôi vẫn đang cố gắng đóng góp phần nhỏ của mình trong đó.

Doanh nhân Mai Hữu Tín là người đam mê môn võ thuần Việt vovinam, và từng đoạt Giải vô địch vovinam toàn quốc năm 1986. Theo ông, trong vovinam có võ thuật và võ đạo. Võ thuật giúp tăng cường sức khỏe và sự tự tin. Võ đạo giúp hành xử văn minh và hướng thiện.

 Xin cảm ơn ông!

Khắc Giới - Vi Lâm

 (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,094,568       10/925