Kinh tế

Sức hút xây dựng đô thị thông minh

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong khu vực đang hướng tới việc xây dựng các đô thị thông minh nhằm mang lại cuộc sống tiện ích nhất cho người dân.

Đô thị Long Thành và vùng phụ cận là điều kiện tốt để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu đô thị thông minh. Ảnh:V.Gia
Đô thị Long Thành và vùng phụ cận là điều kiện tốt để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu đô thị thông minh. Ảnh:V.Gia

Đồng hành với chủ trương, dự án của chính quyền, thời gian qua một số doanh nghiệp đã tỏ ý quan tâm và đề xuất được xây dựng mô hình đô thị thông minh tại những khu vực đang triển khai các dự án lớn. Đây đều là những doanh nghiệp tên tuổi, tạo cơ hội để xây dựng các mảng ghép đô thị thông minh vào dự án chung của toàn tỉnh.

* Nhiều doanh nghiệp quan tâm

Đầu tiên phải kể đến một doanh nghiệp lớn đến từ Thái Lan là Tập đoàn Amata. Sau khi đầu tư Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) thành công, Tập đoàn Amata tiếp tục đầu tư Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành và Khu đô thị - dịch vụ (huyện Long Thành) với diện tích trên 1 ngàn hécta.

Theo ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Amata, tập đoàn này đã đầu tư xây dựng một số dự án thành phố thông minh tại Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong... Hiện tại ở Việt Nam, xu hướng xây dựng đô thị thông minh đang diễn ra mạnh mẽ, nên Amata dự tính đầu tư thành phố thông minh để phù hợp với xu thế phát triển.

Tại Đồng Nai, Amata có dự án Khu đô thị - dịch vụ Long Thành với diện tích 760 hécta đã có từ trước với mục đích xây dựng khu đô thị phục vụ chuyên gia, cư dân lao động trong Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành cũng như lân cận và đón đầu sự phát triển của Sân bay Long Thành. Tháng 10-2019, Amata đã đề xuất chuyển đổi dự án khu đô thị - dịch vụ này thành dự án thành phố thông minh. Theo đó, khu đô thị - dịch vụ này đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi tỉnh chấp thuận và các thủ tục chuyển đổi được thực hiện, bắt đầu từ năm 2020, Amata sẽ tiến hành xây dựng thành phố thông minh.

Theo Amata, hiện nay, việc đầu tư phát triển thành phố thông minh đã trở thành xu hướng, đồng thời  chính quyền các tỉnh, thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh đều định hướng phát triển đô thị thông minh với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước nên doanh nghiệp mạnh dạn tham gia.

Một đơn vị khác là Keppel Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Keppel Corporation của Singapore đã đầu tư vào Việt Nam được 20 năm trên 4 lĩnh vực: giàn khoan, bất động sản, cơ sở hạ tầng, quỹ đầu tư tài sản. Tại Đồng Nai, Tập đoàn Keppel đã đầu tư dự án bất động sản trong Khu đô thị mới Long Hưng (TP.Biên Hòa). Theo đại diện Công ty Keppel Land Việt Nam, Đồng Nai là tỉnh có dân số đông và công nghiệp phát triển nên Tập đoàn Keppel muốn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nhằm tạo ra khu đô thị thông minh mang dáng dấp thể thao, tiện lợi.

Không chỉ có các doanh nghiệp quốc tế mà doanh nghiệp lớn trong nước cũng quan tâm. Cuối năm 2019, dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland với quy mô rộng lớn lên đến hơn 600 hécta theo mô hình đô thị thông minh cũng được giới thiệu với các nhà đầu tư. Dự án này được bao bọc bởi cả một hệ thống sông lớn như Đồng Nai, sông Buông và được phát triển theo mô hình đô thị sinh thái thông minh đáp ứng nhu cầu sống xanh chất lượng. Tập đoàn Novaland cam kết dành hơn 70% diện tích để phát triển mảng xanh và các tiện ích nội khu đồng thời sử dụng yếu tố công nghệ trong nhiều hạng mục tại Aqua City như pin năng lượng mặt trời vào các tiện ích công cộng, hệ thống gom rác thải phân loại tại nguồn, camera nhận diện người lạ…

* Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp

Việc xây dựng đô thị thông minh là chủ trương nhất quán của Đồng Nai và đã bước đầu được thực hiện ở cấp chính quyền với các phần việc về tích hợp hệ thống quản lý, nhân sự... Tuy nhiên, ở cấp độ thấp hơn là từng mảng ghép đô thị, từng dự án riêng, cụ thể thì địa phương phải cần đến sự chung tay của doanh nghiệp, vì vậy các đề xuất xây dựng khu đô thị thông minh của nhà đầu tư đều được tỉnh ủng hộ, quan trọng là phải phù hợp với quy hoạch và hệ thống pháp lý của Nhà nước về đầu tư.

Khi làm việc với Keppel Land Việt Nam vào tháng 10-2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh hoan nghênh đề xuất của công ty và nhận định rằng Đồng Nai đang rất muốn tìm các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mang tính bền vững để tạo ra những khu đô thị thông minh. Điều này nhằm tạo điều kiện để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh.

Tương tự, với đề xuất của Tập đoàn Amata, các sở, ngành đều đồng tình, đồng thời đề nghị Amata triển khai nhanh các thủ tục như lập quy hoạch xây dựng chi tiết để được phê duyệt và tiến hành nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, tỉnh rất ủng hộ Tập đoàn Amata triển khai dự án thành phố thông minh và sẽ tạo điều kiện cho Amata triển khai nhanh dự án. Tuy nhiên, trước khi tiến hành xây dựng khu đô thị theo hướng đô thị thông minh, Amata phải làm tốt việc tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.

Về phía nhà đầu tư, một đơn vị quen thuộc của Đồng Nai là Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành cho hay công ty đang hướng đến việc áp dụng công nghệ để hình thành các “đô thị thông minh - smart city” với mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống, sử dụng các nguồn năng lượng một cách hiệu quả, tối ưu và đảm bảo sức khỏe con người. Ở đó con người sẽ là giá trị cốt lõi, mỗi cư dân đều sẽ được hưởng cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc.

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Golf Long Thành cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và phối hợp với tỉnh để xây dựng khu phức hợp sân golf - đô thị mà doanh nghiệp đã đầu tư nhiều năm qua tại Đồng Nai trở thành đô thị thông minh. “Golf Long Thành và Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam có nguồn lực lớn, kinh nghiệm trong nhiều dự án, do đó chúng tôi tin chắc sẽ phát triển đô thị thông minh thành công. Doanh nghiệp rất mong nhận được sự ủng hộ và đồng hành từ chính quyền để mục tiêu sớm đạt được” - ông Lê Văn Kiểm kiến nghị.

Văn Gia

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,240,512       1/460