Kinh tế

Cân bằng giữa phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường

Đồng Nai hiện là một trong những địa phương có số lượng khu công nghiệp (KCN) nhiều nhất cả nước. Theo quy hoạch, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở thêm các KCN mới.

Việc phát triển các KCN góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng cũng gây nên những áp lực đối với công tác bảo vệ môi trường.

Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội giám sát hệ thống xử lý của Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch vào tháng 9-2018. Ảnh: P.TÙNG
Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội giám sát hệ thống xử lý của Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch vào tháng 9-2018. Ảnh: P.TÙNG

TIN LIÊN QUAN
Những năm qua, với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Đồng Nai đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường tại các KCN.

* Phải giám sát chặt môi trường nước ở KCN

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, năm 2000, trong số 10 KCN của tỉnh chỉ có 3 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung thì đến thời điểm hiện nay, tất cả 30/31 KCN đang hoạt động đều đã hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. (Riêng nguồn nước thải từ KCN Biên Hòa 1 được đưa về Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Biên Hòa 2 để xử lý một phần).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31/35 KCN đã có dự án đi vào hoạt động. Theo Sở Tài nguyên - môi trường
(TN-MT), trong số 31 KCN có dự án đi vào hoạt động, hiện có 30 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất hơn 166.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư cho các công trình này là hơn 1.700 tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết, để giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải tại các KCN, từ năm 2010 đến nay, Đồng Nai đã chi ngân sách đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại 25 KCN có lưu lượng nước thải đảm bảo đủ để vận hành.

Đối với 6 KCN gồm: An Phước, Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành), Định Quán (huyện Định Quán), Tân Phú (huyện Tân Phú), Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) do có lượng nước thải phát sinh ít nên chưa vận hành trạm quan trắc nước thải tự động. Với các KCN này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình hoạt động, trường hợp có đủ lượng nước thải đảm bảo vận hành trạm quan trắc nước thải tự động thì đề xuất triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để giám sát.

Việc di dời Khu công nghiệp  Biên Hòa 1 sẽ giúp bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Nhi
Việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ giúp bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Nhi

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Ngọc Thường, trên địa bàn tỉnh còn có 38 doanh nghiệp hiện được cấp phép tự xả thải trực tiếp ra môi trường với lượng nước thải khoảng 1 ngàn m3/ngày đêm. Trong số này, có 15 doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự đông. Các doanh nghiệp còn lại đều có hệ thống xử lý nước thải riêng và được giám sát chặt chẽ về chất lượng nước thải.

* Quan trắc kỹ cả khí thải phát sinh

Năm 2014, UBND tỉnh đã chính thức ban hành Quyết định 2163/QĐ-UBND về danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên thu hút những ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ sản xuất sạch, sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…

Bên cạnh việc giám sát chặt nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất, Đồng Nai cũng tăng cường quản lý giám sát đối với nguồn khí thải phát sinh từ các KCN.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện quan trắc chất lượng không khí ở 126 vị trí, trong đó có 52 vị trí ở các khu vực xung quanh các KCN. Tần suất thực hiện quan trắc 2 tháng/lần với 9 thông số quan trắc gồm: nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, vận tốc gió, bụi TSP, CO (khí Cacbon monoxit), SO2 (lưu huỳnh điôxít), NO2 (Nitơ điôxít) và tiếng ồn.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Đồng Nai luôn xác định “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Do đó, công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường tại các KCN luôn được quan tâm đặc biệt. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường những năm qua được Đồng Nai đầu tư rất lớn và thực hiện rất chặt chẽ.

“Không có tỉnh nào dành riêng một khoản ngân sách để đầu tư giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động như Đồng Nai đã làm. Tất cả các KCN có dự án hoạt động, có lượng nước xả thải đủ theo dõi thì đều được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, ngoài việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự đông, cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng duy trì việc lấy mẫu kiểm tra 1 lần/tháng tại tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc lấy mẫu được thực hiện theo nguyên tắc không báo trước địa điểm lấy mẫu nước. “Quan trắc tự động chỉ theo dõi được từ 8-10 thông số. Trong khi đó, việc lấy mẫu trực tiếp có thể giám sát trên 20 thông số” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh thông tin thêm.

* Không đánh đổi môi trường cho phát triển

Hàng loạt nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm cao như: công nghiệp hỗ trợ có công đoạn xi mạ, phun phủ, đánh bóng kim loại, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến thủy sản, sản xuất sơn, phụ gia chất tẩy rửa công nghiệp, dệt có công đoạn nhuộm… được đưa vào nhóm các dự án thu hút đầu tư có điều kiện.

Tháng 8-2011, nguồn nước rạch Bà Chèo (huyện Long Thành) bị ô nhiễm nặng do nguồn nước thải từ KCN Long Thành chưa xử lý đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường. Rạch Bà Chèo, nguồn mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn trở thành “con rạch chết”. Hơn 1 năm sau, UBND tỉnh đã đầu tư, vận hành trạm quan trắc tự động nước thải sau xử lý của KCN Long Thành.

Trên thực tế, những năm trước đây do áp lực phát triển kinh tế, nhất là các KCN trong khi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn hẹp đã đưa đến những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ thể hiện ở số lượng ít ỏi các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động mà còn thể hiện ở việc kêu gọi đầu tư vào các KCN.

Trước đây, các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh thường là các dự án về may mặc, giày da, dệt nhuộm, xi mạ... Do sử dụng các công nghệ lạc hậu nên các dự án này dù giúp giải quyết một lượng lớn việc làm cho người lao động những cũng phát sinh nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, từ năm 2012 trở lại đây, Đồng Nai đã chú trong hơn đối với công tác bảo vệ môi trường trong các KCN nhằm chấm dứt tình trạng môi trường thường đi sau các hoạt động phát triển, “phát triển trước, làm sạch sau”. Điều này không chỉ thể hiện trong việc “mạnh tay” đầu tư lớn cho công tác bảo vệ môi trường mà còn thể hiện trong quan điểm thu hút đầu tư, trong từng dự án đầu tư và quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, nhiều dự án có tổng vốn lớn đăng ký vào các KCN trên địa bàn tỉnh nhưng thuộc các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã bị Đồng Nai “lắc đầu” từ chối. Thay vào đó, Đồng Nai chú trọng kêu gọi nguồn vốn đối với các dư án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Đồ họa thể hiện số lượng công trình bảo vệ và giám sát chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.  (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng công trình bảo vệ và giám sát chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

Theo dự kiến, Đồng Nai sẽ quy hoạch thêm khoảng 8 KCN cho giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2050. Trong chiến lược phát triển KCN, Đồng Nai vẫn ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, các KCN của Đồng Nai đều phân theo ngành nghề để thu hút đầu tư có chọn lọc. Tỉnh ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ để tạo ra giá trị gia tăng cao. “Những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm lớn sẽ bị từ chối” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,241,094       1/281