Kinh tế

Tăng hiệu quả, chất lượng dòng vốn FDI

Sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu lớn, nguồn vốn và các dự án của FDI góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, mặt trái trong thu hút đầu tư cũng để lại nhiều vấn đề cần khắc phục.

Khu công nghiệp Long Thành, một trong những khu công nghiệp thành công về thu hút FDI của Đồng Nai. Ảnh: DO KCN CUNG CẤP
Khu công nghiệp Long Thành, một trong những khu công nghiệp thành công về thu hút FDI của Đồng Nai. Ảnh: DO KCN CUNG CẤP

Đồng Nai đang hướng tới thu hút vốn FDI “thế hệ mới” nhằm đảm bảo sự minh bạch trong chính sách, thắt chặt mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

* Thành quả sau 30 năm

Dự án đầu tư FDI đầu tiên được cấp phép tại Đồng Nai là vào tháng 9-1989 trong lĩnh vực dịch vụ vận tải taxi của Công ty liên doanh Vatadona. Tiếp đến là các dự án Vedan, VMEP, Hualon... trong những năm tiếp theo.

Đến nay, sau 30 năm, Đồng Nai đã “viết” nên câu chuyện thành công trong phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư. Không đơn thuần là những “con số biết nói” như gần 2 ngàn dự án FDI với tổng vốn đầu tư 35,3 tỷ USD, hay khoản đóng góp hơn 600 triệu USD vào nguồn thu ngân sách hằng năm... Thực tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần tạo nên những đổi thay to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội.

Năm 2019, Đồng Nai thu hút thêm 1,96 tỷ USD vào các khu công nghiệp, đạt gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra. Đáng mừng hơn, có trên 80% nguồn vốn đầu tư vào Đồng Nai trong năm nay đã được giải ngân. Riêng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 trong năm 2019 đã thu hút thêm 22 dự án với số vốn đăng ký 435 triệu USD, nâng tổng số dự án trong khu công nghiệp này lên 43 với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD và lấp đầy 100% diện tích cho thuê.

Theo ông Nguyễn Thành Đạt, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây dựng KCN Nhơn Trạch 6, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp ngành logistics họ quan tâm tìm hiểu đầu tư ở khu vực quanh dự án sân bay quốc tế Long Thành thuộc 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch, đặc biệt là những tập đoàn lớn của châu Âu cũng đã chuyển hướng đầu tư logistics về Đồng Nai để “đón đầu” dự án Sân bay quốc tế Long Thành. Đó là một trong những lý do mà KCN này cũng như các khu vực lân cận khác được hưởng lợi lớn trong tương lai gần.

Từ thu hút đầu tư, đến nay Đồng Nai đã có 35 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích trên 12 ngàn hécta trong đó 31 khu được đầu tư hạ tầng hoàn thiện đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp chỉ chiếm khoảng 1,6% diện tích đất của tỉnh, nhưng là nơi hoạt động tập trung của trên 1.400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ USD. Dòng vốn FDI đã trở thành động lực giúp Đồng Nai trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại. Công nghiệp biến nhiều vùng đất hoang hóa của Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom thành những khu công nghiệp, đô thị phát triển năng động.

* Thu hút đầu tư thế hệ mới

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, ở thời điểm hiện nay, khi nhu cầu thuê đất trong các khu công nghiệp tăng cao, Đồng Nai đang xem xét bổ sung quy hoạch mở rộng thêm 8 khu công nghiệp với diện tích khoảng 5 ngàn hécta. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của 30 năm phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, những khu công nghiệp mới của Đồng Nai sẽ phải là những khu công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường.

Để gia tăng hiệu quả đóng góp của khu vực FDI, Đồng Nai đã có nhiều kiến nghị với Trung ương trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý trong việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có sự giao thoa, gắn kết trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ.

Cùng quan điểm, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Cao Tiến Sĩ nhấn mạnh thêm, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư tại chỗ, xanh hóa thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. “Khi doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, chứng tỏ đã yên tâm về môi trường đầu tư tại Đồng Nai và đó là cơ sở để có thêm những dự án chất lượng” - ông Cao Tiến Sĩ khẳng định.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định, song song với siết chặt các tiêu chuẩn đầu tư thuộc khu vực FDI thì Đồng Nai cũng sẽ dành sự quan tâm lớn hơn đến các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đồng thời, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới. Đặc biệt, hạn chế tình trạng ưu đãi quá nhiều đối với FDI nhưng lại chậm khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển, vô tình gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp nội, đồng thời gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung.

Đào Lê

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,240,272       1/460