Kinh tế

Thu hút đầu tư FDI: Sau kỷ lục, quan tâm chất lượng dòng vốn

Năm 2019, giữa "tâm bão" ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, Việt Nam vẫn thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vượt kỳ vọng của Trung ương...

Năm 2019, giữa “tâm bão” ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, Việt Nam vẫn thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vượt kỳ vọng của Trung ương cũng như các tỉnh, thành.

Doanh nghiệp FDI đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh: V.GIA
Doanh nghiệp FDI đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh: V.GIA

38 tỷ USD thu hút mới và 20 tỷ USD vốn FDI giải ngân là con số ấn tượng với kinh tế Việt Nam, song theo đánh giá của các nhà chuyên môn, cần phải tiếp tục có sự nâng chất lượng dòng vốn trong thu hút đầu tư.

Nguyên do là bởi dù có ngày càng nhiều dự án mới đăng ký vào Việt Nam song số vốn trên mỗi dự án lại đang có xu hướng giảm, đồng thời cần cảnh giác với vốn FDI vào Việt Nam để lợi dụng nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

* Vốn giải ngân tăng kỷ lục

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), năm 2019, Việt Nam thu hút được trên 38 tỷ USD và nằm trong nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới. Đặc biệt, lượng vốn FDI giải ngân cũng lần đầu tiên vượt mốc 20 tỷ USD. Đây là những con số ấn tượng về công tác thu hút đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và ảnh hưởng lớn của các cuộc chiến thương mại.

Vốn FDI sẽ tiếp tục tăng mạnh

Theo Trung tâm phân tích CTCP chứng khoán SSI (SSI Research, trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh), hiện đang có nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và châu Á chuyển xí nghiệp từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba; Việt Nam nằm trong sự lựa chọn hàng đầu, hai năm gần đây đã có một số nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang nước ta.

Dự báo, tốc độ tăng vốn FDI thực hiện 7-8%, đạt 23-24 tỷ USD, chiếm 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội. Đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Á vẫn gia tăng, đồng thời đầu tư từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, giáo dục và  đào tạo, nghiên cứu và phát triển với nhiều dự án lớn sẽ nhiều hơn.

Cụ thể, có 3.883 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 16,75 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 1.381 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm là 5,8 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành kinh tế, trong đó chế biến, chế tạo với 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6%, kinh doanh bất động sản với 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% vốn đăng ký, tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, khoa học và công nghệ.

Có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng đầu với vốn đăng ký 7,92 tỷ USD, Hong Kong (Trung Quốc) thứ hai với vốn đăng ký 7,87 tỷ USD, Singapore đứng thứ 3 với vốn đăng ký 4,18 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong số các tỉnh, thành có dự án FDI mới thì Hà Nội đứng thứ nhất với 8,3 tỷ USD, TP.Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với 7 tỷ USD, tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh…

Tại Đồng Nai, thu hút vốn FDI cũng khả quan khi kết thúc năm đạt gần 2 tỷ USD. Số liệu cụ thể từ Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai cho thấy đơn vị đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 111 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư là 1,145 tỷ USD. Đồng thời, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 620 dự án, trong đó có 126 dự án điều chỉnh tăng vốn với mức vốn tăng thêm hơn 819 triệu USD. Mức thu hút vốn này tương tự các năm trước đó, đạt gần gấp đôi so với chỉ tiêu hằng năm của toàn tỉnh là 1 tỷ USD.

Tương tự như cả nước, vốn FDI vào Đồng Nai năm qua đạt tỷ lệ giải ngân trên 80% số vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn, điều này chứng tỏ môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được các doanh nghiệp quốc tế quan tâm, là điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy nhanh tiến độ thành lập các KCN mới.

* Quy mô vốn trên từng dự án “hẹp” lại

Nhìn một cách tổng thể, số vốn thu hút mới và số vốn giải ngân đạt kết quả cao là điều đáng mừng với nền kinh tế, song trên một vài khía cạnh, chất lượng thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo nhiều đánh giá, chất lượng và hiệu quả của FDI năm 2019 chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồ họa thể hiện tổng quan thu hút vốn đầu tư cả nước và Đồng Nai năm 2019 (Thông tin: VĂN GIA - Đồ họa: HẢI QUÂN
Đồ họa thể hiện tổng quan thu hút vốn đầu tư cả nước và Đồng Nai năm 2019 (Thông tin: VĂN GIA - Đồ họa: HẢI QUÂN

Đơn cử, quy mô trung bình mỗi dự án FDI quá nhỏ, toàn quốc có 3.833 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có vốn đăng ký 16,75 tỷ USD, trung bình mỗi dự án chỉ có khoảng 4,3 triệu USD vốn đăng ký. Một số địa phương còn thu hút cả những dự án 1-2 triệu USD, thậm chí dưới 1 triệu USD.

Với Đồng Nai, tiêu chí này có khá hơn, song cũng đáng quan ngại bởi 111 dự án thu hút mới có tổng vốn 1,145 tỷ USD, tương đương mỗi dự án có vốn đầu tư trên 10,3 triệu USD. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 31 dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư từ 10 triệu USD trở lên. Trong đó, có thể kể tới như dự án Nhà máy sản xuất Chang Shin tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú vốn đầu tư 100 triệu USD (sản xuất mũ giày dép, linh kiện giày), nhà máy Công ty TNHH Otsuka Techno Việt Nam tại KCN Nhơn Trạch 6 có vốn đầu tư 72 triệu USD (sản xuất các sản phẩm từ plastic), nhà máy Công ty TNHH Sebang Battery Vina tại KCN Dệt may Nhơn Trạch có vốn đầu tư 60,1 triệu USD (sản xuất các sản phẩm ắc-quy, pin acid chì)… Như vậy là ở phần còn lại trong bức tranh, quy mô của từng dự án rất nhỏ.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực thì quy mô dự án khác nhau. Đối với một số lĩnh vực như dịch vụ hoặc công nghiệp hỗ trợ thì không đòi hỏi quy mô quá lớn, nhưng với một địa phương mà 84% dự án thu hút được trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo thì đây lại là vấn đề cần suy nghĩ. Do đó, Đồng Nai cần quan tâm đến quy mô dự án, nếu những dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ của nước ngoài vào Việt Nam quá nhiều thì sẽ gây áp lực lớn lên doanh nghiệp tư nhân của nước ta. Do đó, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đủ năng lực cần được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để sớm thực hiện các dự án đó.

Đánh giá về chất lượng vốn thu hút FDI, theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, bên cạnh những thành tựu lớn, thu hút FDI của Đồng Nai cũng có những hạn chế. Trong đó, vẫn còn một số doanh nghiệp nước ngoài chất lượng thấp (vốn đầu tư thấp, sử dụng chủ yếu lao động phổ thông, hoạt động gia công là chính, đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước không đáng kể…).

Ngoài ra, dù ít song vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội… chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước khiến cho nhiều lao động mất việc làm, mất thu nhập và đẩy gánh nặng xử lý hậu quả cho chính quyền… từng xảy ra trong những năm trước.

Cũng theo ông Nguyên, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc theo hiệp hội doanh nghiệp của quốc gia mình. “Điều này dẫn tới doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận trong hợp tác sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ, giao thương, xuất khẩu tại chỗ của khối doanh nghiệp trong nước còn thấp” - ông Nguyên cho hay.       

Văn Gia

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,088,735       3/1,139