Kinh tế

Giá heo hơi 'hạ nhiệt' trước áp lực thịt nhập

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thị trường trong nước thiếu khoảng 200 ngàn tấn thịt heo thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2020. Để đủ nguồn cung, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu nguồn thịt heo từ các nước.

Giá heo hơi “hạ nhiệt”, người chăn nuôi e ngại trước việc tăng nhập khẩu thịt heo. Trong ảnh: Trại chăn nuôi ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên
Giá heo hơi “hạ nhiệt”, người chăn nuôi e ngại trước việc tăng nhập khẩu thịt heo. Trong ảnh: Trại chăn nuôi ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 11 tháng của năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 111 ngàn tấn thịt heo, tăng 108% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 11-2019, lượng thịt heo nhập khẩu đạt hơn 15 ngàn tấn, tăng 164% về lượng so với cùng kỳ.

* Nhiều thực phẩm thay thế thịt heo

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành nông nghiệp vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hiện dịch tả heo châu Phi đã cơ bản được khống chế; tuy dịch có khiến đàn heo giảm nhưng không thiếu nhiều, cần thiết nhập thêm mấy ngàn tấn thịt để bình ổn thị trường. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã khuyến khích tăng cường sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản để bù đắp một phần lượng thịt heo bị giảm.

Tuần qua, giá heo hơi trên địa bàn Đồng Nai liên tục “hạ nhiệt”, hiện chỉ còn từ 80-82 ngàn đồng/kg, giảm hơn 10 ngàn đồng/kg so với giai đoạn “sốt giá” trước đó. Giá heo hơi “hạ nhiệt” cho thấy sau khi rơi vào cảnh giá “sốc”, thị trường heo hơi bình ổn trở lại phần nào do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng không nhỏ bởi nguồn thịt nhập.

Theo ông Trần Văn Minh, thương lái chợ đầu mối Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh): “Giá thịt heo tăng quá cao khiến sức tiêu thụ chậm. Tuy nguồn heo cung vẫn chưa đáp ứng được cầu nhưng thị trường đã “hạ nhiệt” vì có thêm nguồn heo sống từ Thái Lan đổ về, heo đông lạnh pha lóc cũng xuất hiện tại các chợ đầu mối”.

Trước dự báo thiếu nguồn cung heo thịt cho thị trường Tết Nguyên đán 2020, ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Bộ Công thương đã làm việc với Đồng Nai, chỉ đạo trong trường hợp thiếu nguồn cung thì các doanh nghiệp sẽ thực hiện phương án nhập khẩu thịt heo. Sở Công thương cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về tình hình đầu cơ, tăng giá hoặc xuất heo tiểu ngạch sang Trung Quốc góp phần ổn định thị trường dịp Tết”.

Người tiêu dùng cũng chuyển sang lựa chọn nhiều loại thực phẩm khác thay thế cho thịt heo. Bà Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Hóa An (phường Hóa An. TP.Biên Hòa) cho biết, thịt heo tăng giá quá cao khiến lượng tiêu thụ thịt hằng ngày giảm mạnh. Ban đầu, các bếp ăn công nghiệp chuyển sang sử dụng thịt gà và các loại thực phẩm khác thay thế, khách mua lẻ cũng giảm tiêu thụ thịt heo.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2020, một số doanh nghiệp tại địa phương đã tăng nhập khẩu bò Úc về vỗ béo đảm bảo nguồn cung ra thị trường. Chăn nuôi đại gia súc cũng như tổng đàn gia cầm của địa phương cũng tăng lên để bù cho thị trường thịt heo thiếu hụt. 

* Chăn nuôi trong nước: lo cạnh tranh với thịt nhập

Chủ trì các buổi làm việc về phòng, chống dịch tả heo châu Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từng nhiều lần cảnh báo, tình trạng găm hàng chờ giá cao hơn mới xuất heo có hại ngay cho người chăn nuôi vì xuất bán heo quá lứa thì hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi. Với doanh nghiệp chăn nuôi cũng không nên đưa giá lên quá cao sẽ xảy ra tình trạng “gậy ông đập lưng ông” vì người tiêu dùng sẽ lựa chọn thực phẩm khác. Đồng thời, khi giá quá cao thì thịt nhập tràn vào, lúc đó chúng ta đánh mất thị trường ngay chính trên sân nhà.

Giá heo hơi “hạ nhiệt”, người chăn nuôi e ngại trước việc tăng nhập khẩu thịt heo. Trong ảnh: Trại chăn nuôi ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên
Giá heo hơi “hạ nhiệt”, người chăn nuôi e ngại trước việc tăng nhập khẩu thịt heo. Trong ảnh: Trại chăn nuôi ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Thực tế, “cơn bão” thịt nhập đang tràn vào thị trường nội địa là nỗi lo không nhỏ với cả doanh nghiệp và người chăn nuôi. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh) lo ngại: “Từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt heo đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh. Điều chúng tôi e ngại là thịt nhập giá rẻ chưa được kiểm soát về chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường, cạnh tranh không lành mạnh với thịt nội khiến doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cũng e ngại mở rộng đầu tư”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc mở cửa nhập khẩu ồ ạt thịt ngoại đang làm cho người chăn nuôi mất cơ hội giữ đàn, giữ nghề sau hậu quả nặng nề của đợt dịch tả heo châu Phi. Ông Công kiến nghị, năm 2020, Nhà nước không nên hỗ trợ tiền cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi mà nguồn hỗ trợ này nên chuyển sang khuyến khích cho người chăn nuôi tái đàn.

Với sự hỗ trợ này, người chăn nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng trang trại đạt chuẩn, mua con giống tốt góp phần giảm giá thành chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh cho thịt nội. “Điều quan trọng là tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi hiệu quả, người chăn nuôi nhỏ lẻ liên kết lại để làm ra sản phẩm giá tốt, chất lượng cao thì mới tồn tại và cạnh tranh được” - ông Công nói.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, dự ước trong năm 2019, sản lượng thịt heo đạt trên 425 ngàn tấn, giảm gần 4,6% so với năm 2018; sản lượng thịt gia cầm đạt hơn 115,6 ngàn tấn, tăng hơn 15% so cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm đạt trên 1.004 triệu quả, tăng gần 35%; sản lượng thịt bò đạt gần 4,3 ngàn tấn, tăng hơn 3,6%.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,088,829       1/1,125