Kinh tế

Tăng sức cạnh tranh cho bắp nội

Với lợi thế là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, lại thu hút đông các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN), Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng bắp thuộc tốp đầu của cả nước.

Tuy nhiên, cây trồng này đang bị thu hẹp dần về diện tích vì không cạnh tranh lại với bắp nhập khẩu.

Nông dân xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) chăm sóc vườn bắp. Ảnh: Hoàng Lộc
Nông dân xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) chăm sóc vườn bắp. Ảnh: Hoàng Lộc

TIN LIÊN QUAN
Nhiều địa phương của tỉnh đã xây dựng được những vùng chuyên canh cho cây bắp, xây dựng chuỗi liên kết để bắp nội vẫn có “chỗ đứng” trên thị trường.

* Mất dần “chỗ đứng”

Chỉ ra nguyên nhân khiến bắp nội địa yếu thế hơn trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu, ông Phạm Ngọc Đúng, chủ trang trại chăn nuôi và đại lý kinh doanh thức ăn gia súc tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) nhận xét, hiện bắp nhập khẩu đang “phủ sóng” thị trường nội địa. Các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, người chăn nuôi chỉ cần gọi điện đặt hàng là doanh nghiệp chở đến tận nơi. Việc chế biến thức ăn gia súc, làm cám trộn của cơ sở chủ yếu đều dùng bắp nhập vì giá vừa rẻ, chất lượng lại ổn định. “Trong khi đó, bắp trồng trong nước luôn có giá cao hơn hàng nhập, khâu sơ chế bảo quản còn kém nên không dự trữ lâu được, trong khi nhu cầu sử dụng mặt hàng này là quanh năm” - ông Đúng nói.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, vụ sản xuất đông - xuân 2019-2020, toàn tỉnh trồng được hơn 1,2 ngàn hécta bắp, giảm hàng chục hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm, sản lượng bắp trên địa bàn tỉnh đạt trên 298 ngàn tấn, giảm trên 31 ngàn tấn tương đương khoảng 9,6% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân giảm do diện tích cây trồng này giảm; năng suất cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, chủ yếu là dịch sâu keo mùa thu.

* Tập trung làm cánh đồng lớn cây bắp

Ông Lý Phát Sinh là nông dân có hơn 20 năm gắn bó với cây bắp tại xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Ông từng được chính quyền địa phương cho đi Philippines học tập kỹ thuật trồng bắp. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng các giống mới nên năng suất bắp của gia đình ông hằng năm đều tăng lên.

Gia đình ông Sinh còn đầu tư mua nhiều loại máy móc nông nghiệp vừa sử dụng trong sản xuất, vừa cung cấp dịch vụ cho nông dân trong vùng. Ông trở thành “vua bắp” vì luôn đạt năng suất bắp thuộc tốp đầu của tỉnh. Ông còn là nông dân được tuyên dương trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai vì đi tiên phong ứng dụng mô hình chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 2 vụ bắp/năm, đạt thu nhập gấp đôi so với chỉ làm lúa. Ông còn là Giám đốc Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ Lang Minh với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho cây bắp tại địa phương.

Theo ông Sinh, bắp sản xuất trong nước luôn có giá cao hơn bắp nhập khẩu. Vùng này, nhiều nông dân vẫn gắn bó lâu dài với cây bắp vì chỉ cây trồng này mới thích hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất. Mặt khác, nông dân trồng bắp không lo về thị trường tiêu thụ vì cung luôn không đủ cầu.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai, mô hình sản xuất 2 bắp, 1 lúa được nhiều địa phương nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Theo bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc, cây bắp vẫn chiếm diện tích lớn tại địa phương vì huyện khuyến khích chuyển đổi canh tác từ 3 vụ lúa/năm tăng dần sang 2 vụ bắp, 1 vụ lúa/năm để tăng thu nhập cho nông dân. Có vùng nông dân chuyển đổi làm 4 vụ bắp/năm để bán bắp cây cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn đại gia súc xuất khẩu. Toàn huyện cũng đã hình thành được 3 vùng chuyên canh sản xuất bắp với quy mô cánh đồng lớn.

Nói về kế hoạch tăng lợi thế cạnh tranh cho bắp nội, ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho hay, đơn vị đang làm dự án cánh đồng lớn cho cây bắp, chuyển đổi từ chuyên trồng lúa lên 2 vụ bắp, 1 vụ lúa/năm. Hợp tác xã cũng đầu tư máy móc, ứng dụng kỹ thuật và giống mới trong sản xuất. Sản phẩm có doanh nghiệp bao tiêu giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây trồng này.            

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,995       3/1,136