Kinh tế

Khi người dân đô thị làm nông nghiệp

Một số mô hình sản xuất các loại rau, hoa, cây ăn trái bằng phương pháp thủy canh, hữu cơ trên địa bàn TP.Biên Hòa đang thu hút sự quan tâm của người dân trong thời gian gần đây. Các mô hình này thường áp dụng kỹ thuật tiên tiến, kiểm soát được sinh vật gây hại và mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt cho các hộ gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Trang trại rau thủy canh của anh Cao Chu Tuấn (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Ảnh: T.MỘC
Trang trại rau thủy canh của anh Cao Chu Tuấn (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Ảnh: T.MỘC

Đây cũng là xu hướng làm nông nghiệp của người dân thành phố trong những năm gần đây và đang phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều hộ gia đình còn tận dụng cả không gian của ban công, sân thượng... để tăng gia sản xuất.

* Diện tích nhỏ, sản xuất sạch

Tháng 8-2019, 1,2 hécta rau sạch trồng trong nhà lưới của 6 nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất rau Đoàn Kết (phường Trảng Dài) được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Đây là kết quả đáng khích lệ sau một thời gian áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật do các chuyên gia ngành nông nghiệp hướng dẫn.

Ông Trần Trọng Bình, nông dân có thâm niên trồng rau hơn 20 năm vui mừng chia sẻ, từ khi bắt đầu sản xuất theo hướng VietGAP cho 2 ngàn m2 đất trồng rau đến nay, ông đã giảm công lao động và các chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng sản lượng rau vẫn không giảm. Ngoài ra, rau còn dễ bán hơn vì được nhiều người tin dùng rau sạch. Bản thân ông Bình cũng thừa nhận, do không còn phải tiếp xúc nhiều với các loại thuốc bảo vệ thực vật nên ông cảm thấy yên tâm về sức khỏe bản thân hơn.

Đến nay, không chỉ 6 hộ dân trong Tổ hợp tác rau Đoàn Kết làm theo mô hình VietGAP mà nhiều hộ trồng rau tại khu vực phường Trảng Dài cũng chuyển hướng trồng rau sạch, giảm đáng kể lượng hóa chất tại các vườn rau.

Tương tự, nửa năm nay, gia đình bà Đặng Thị Kim Phụng (KP.7, phường Thống Nhất) đã đầu tư một nhà lưới rộng 800m2 để trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ. Với diện tích trên, bà Phụng đã trồng 1,8 ngàn gốc dưa lưới, sau 3 tháng chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ, mỗi trái dưa lưới đến kỳ thu hoạch có cân nặng từ 1,2-1,5kg, trái có vị ngọt, đạt chất lượng cao và được bán với giá 80-85 ngàn đồng/kg.

Ngay sau vụ thu hoạch đầu tiên, vườn dưa lưới đã giúp bà Phụng thu hồi vốn đầu tư cho nhà lưới. Bà Phụng cho rằng, hiện nay trên thị trường cung cấp rất nhiều dụng cụ hỗ trợ nông dân đô thị có thể tận dụng những không gian trống trong nhà để trồng cây, vừa tạo thêm không khí trong lành cho mọi người. Theo bà Phụng: “Bất kỳ gia đình nào cũng có thể làm một vườn rau nhỏ phù hợp với từng diện tích. Hiện nay có rất nhiều thông tin hướng dẫn người dân cách tạo vườn và trồng rau trong đô thị. Do đó, mọi người nên dành chút thời gian để tìm hiểu để có kiến thức làm nông nghiệp trước khi áp dụng cho không gian nhà mình một cách hiệu quả và phù hợp nhất”.

* Áp dụng kỹ thuật cao

Gần 3 năm nay, vào dịp cuối tuần, nhiều người dân TP.Biên Hòa và một số tỉnh lân cận thường tìm đến trang trại trồng rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của anh Cao Chu Tuấn, tại KP.4A, phường Trảng Dài để tham quan, học hỏi mô trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel.

Ông Trần Trọng Bình bên vườn rau đạt chuẩn VietGAP.
Ông Trần Trọng Bình bên vườn rau đạt chuẩn VietGAP. Ảnh: T.MỘC

Anh Tuấn cho biết, hiện tại mỗi ngày trang trại của anh cung cấp ra thị trường từ 250-300kg rau, củ các loại. Trong 3 năm làm rau thủy canh công nghệ cao, anh Tuấn đã hướng dẫn cho 3-4 người dân làm mô hình này với diện tích nhỏ hơn để phục vụ nhu cầu cho gia đình. Hiện tại, anh Tuấn đang nghiên cứu, cho ra sản phẩm nước ép từ rau, đặc biệt là loại cải Kale có nhiều dưỡng chất, sau khi ép nước vẫn giữ được vị rau và dễ sử dụng vì có thêm vị sữa.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Tuấn cho hay sẽ tiếp tục duy trì 15 loại rau, củ, quả trong trang trại để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, anh Tuấn sẽ sản xuất các sản phẩm nước ép, bột hòa tan từ các loại rau trong vườn. Các sản phẩm tiện ích giúp người dân có nhiều cơ hội sử dụng thực phẩm sạch, nhất là những người làm văn phòng.

Ông Võ Văn Châu, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho biết, theo ghi nhận của Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, thời gian qua, một số mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch được nông dân áp dụng khá hiệu quả, phù hợp với diện tích đất và không gian của từng gia đình. Đây là những đột phá mới trong phát triển nông nghiệp đô thị, phù hợp với điều kiện của TP.Biên Hòa.

Hiện cách làm này đang được thành phố quan tâm, chủ động phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững hỗ trợ người dân, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình tận dụng các khoảng trống để trồng rau sạch, phục vụ bữa ăn gia đình bằng các thực phẩm sạch do mình tạo ra. Ngoài ra, khuyến khích người dân sử dụng nguồn nước, thuốc bảo vệ thực vật thích hợp và hiệu quả, nhằm giảm tác động xấu đến môi trường, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, hỗ trợ người dân tăng cường kiến thức và các kỹ năng chăm sóc cây để giảm tác động đối với môi trường và bảo vệ sức khỏe người sản xuất.

Thủy Mộc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,981       2/1,135