Văn hóa

Bài 1: Những đền thờ ra đời trong máu lửa

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh về với "thế giới người hiền", lòng dân Nam bộ đau đớn khôn nguôi. Ngay từ thời điểm đó cho đến lúc đất nước thống nhất vào năm 1975, nhiều đền thờ, phủ thờ Bác Hồ đã được nhân dân tự nguyện xây dựng, bảo vệ, gìn giữ và tôn thờ ở nhiều tỉnh, thànhNam bộ.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh về với “thế giới người hiền”, lòng dân Nam bộ đau đớn khôn nguôi. Ngay từ thời điểm đó cho đến lúc đất nước thống nhất vào năm 1975, nhiều đền thờ, phủ thờ Bác Hồ đã được nhân dân tự nguyện xây dựng, bảo vệ, gìn giữ và tôn thờ ở nhiều tỉnh, thành Nam bộ.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh xây dựng năm 1971, nay là di tích cấp quốc gia.
Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh xây dựng năm 1971, nay là di tích cấp quốc gia.

Mỗi một ngôi đền thờ Bác Hồ đều có lịch sử riêng. Có những đền thờ nằm trong vùng kháng chiến được cán bộ và nhân dân thường xuyên hương khói tưởng vọng, cũng có những ngôi đền nằm ngay trong vùng “xôi đậu” tranh chấp giữa ta và địch, lại có đền thờ nằm ngay trong lòng địch. Dù ở đâu, quy mô thế nào, mỗi ngôi đền thờ đều là một huyền thoại kỳ diệu, thể hiện tấm lòng son sắt của nhân dân miền Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, với sự nghiệp cách mạng mà Bác dẫn dắt.

* Mệnh lệnh từ trái tim

Trong số 30 đền thờ, phủ thờ Bác Hồ tại miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngôi đền đầu tiên được xây dựng ngày 6-9-1969 ở ngã ba Kinh Đào, ấp Biện Trượng, xã Đất Mới, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) bằng gỗ đước, do Tỉnh đội Cà Mau, Chi bộ Đảng xã Đất Mới cùng nhân dân địa phương hợp sức thi công.

Tiếp đó, hàng loạt đền thờ Bác Hồ đã được dựng lên ở nhiều địa phương khác tại miền Nam, như: đền thờ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang); đền thờ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu). Nhiều nhất vẫn là ở tỉnh Cà Mau với 7 đền thờ được xây dựng tiếp theo, như: đền thờ ở rạch Ngã Quát, ấp Hàm Rồng; đền thờ ở Tắc Năm Căn, xã Năm Căn; đền thờ ở Máng Chim, ấp Cái Xép, xã Viên An; đền thờ ở ấp Rau Dừa (Đầu Sấu), xã Hưng Mỹ; đền thờ ở xã Đất Mũi (đều thuộc huyện Ngọc Hiển); đền thờ ở xã Trí Phải (huyện Thới Bình)…

Giai đoạn 1970-1973, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, khó khăn. Thế nhưng, điều kỳ diệu là trong giai đoạn khắc nghiệt ấy, những ngôi đền thờ Bác vẫn liên tục xuất hiện như những đóa hoa mọc lên từ trong lửa đỏ. Tại tỉnh Cà Mau, nhân dân tiếp tục xây dựng thêm 3 đền thờ Bác Hồ tại các huyện Năm Căn, Cái Nước, Đầm Dơi. Tại tỉnh Tiền Giang có 3 đền thờ Bác được xây dựng, gồm: đền thờ ở ấp Mỹ Phúc, xã Mỹ Thiện; đền thờ ở ấp Mỹ Tường, xã Hậu Mỹ Nam (đều ở huyện Cái Bè) và đền thờ ở xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây). Ở tỉnh Bạc Liêu thêm một đền thờ được xây dựng ở xã Long Điền, huyện Giá Rai (nay là huyện Đông Hải). Tỉnh Kiên Giang cũng xuất hiện đền thờ Bác ở xã Thuận Hòa (huyện An Minh). Những đền thờ này đều nằm trong vùng giải phóng hoặc căn cứ kháng chiến.

Đặc biệt, có 2 đền thờ Bác Hồ được xây dựng ngay trong vùng “xôi đậu” tranh chấp giữa ta và địch. Đó là đền thờ tại ấp Long Đức, thị trấn Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và đền thờ tại cù lao Dung, thuộc xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (nay thuộc ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng).

Theo thống kê của Bảo tàng TP.Cần Thơ, từ năm 1969-1975 có 30 đền thờ Bác Hồ được nhân dân tạo dựng tại 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nhiều nhất là tỉnh Cà Mau với 18 đền thờ, còn lại là các địa phương: Tiền Giang (4 đền thờ), Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng (2 đền thờ), Trà Vinh, Hậu Giang (1 đền thờ). Đặc biệt, tại Đồng Nai có 1 đền thờ Bác được phối thờ với Thần hoàng bổn cảnh của địa phương, đó là đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch).

Đền thờ tại ấp Long Đức chỉ cách thị trấn Trà Vinh khoảng 3km, cách căn cứ quân sự của Mỹ 1,5km, và ly kỳ hơn là cách đồn địch chỉ 800m. Đền thờ khởi công cuối tháng 3-1970, nhân dân và cán bộ, du kích Long Đức tiến hành xây dựng ngay dưới tầm bắn, tầm đạn pháo của địch, vì thế công việc phải làm vào ban đêm, vừa xây dựng vừa lo chống càn. Đền thờ được làm bằng các vật liệu có sẵn tại địa phương, như: tranh, tre, mái lợp lá, khung sườn bằng gỗ tạp, vách tôn, nền tráng xi măng… đã hoàn thành vào đúng ngày 30 Tết Nguyên đán năm 1971. Chỉ rộng 16m2, nhưng đền thờ phải mất gần 1 năm mới xây dựng xong, đủ thấy biết bao gian nan, hy sinh của người dân Long Đức.

Đền thờ Bác tại cù lao Dung được Đảng ủy và người dân địa phương khởi công dịp kỷ niệm thành lập Đảng ngày 3-2-1970, hoàn thành đúng vào dịp sinh nhật Bác ngày 19-5-1970. Vị trí đền thờ nằm giữa 2 đồn Vàm Tắc và Rạch Chồn với tổng số khoảng một đại đội lính trên 100 người đóng quân, chỉ cách nhau chưa đầy 2km. Trưởng đồn Vàm Tắc là Đại úy Ngoan, Trưởng đồn Rạch Chồn là Trung úy Phổ đều biết việc xây dựng đền thờ nhưng không dám ngăn cản, chỉ báo cáo về phân chi khu Rạch Tráng. Địch cho máy bay, tàu chiến liên tục bắn phá, du kích và nhân dân tham gia xây dựng đền thờ phân công nhau làm vào chiều tối và ban đêm. Nhiều lần máy bay ném bom vừa khuất, hay đạn pháo vừa ngớt, mọi người từ dưới hầm ngoi lên cứ để mình mẩy bùn sình lao vào làm tiếp. Trước sức mạnh, ý chí của nhân dân, bọn lính trong đồn không dám phá phách đền thờ Bác, thậm chí khi đi ngang qua đền thờ còn ghé vào thắp hương.

* Tấm lòng người Nam bộ

Vì sao có hiện tượng hàng loạt đền thờ Bác Hồ được xây dựng tại miền Nam sau khi Bác mất?

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, việc xây dựng đền thờ để tưởng nhớ Bác là hình thức để vơi đi niềm đau thương, mất mát quá lớn của người dân Nam bộ; đồng thời ghi nhớ công đức to lớn của Bác là đề ra được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, đem lại cơm no áo ấm cho dân nghèo. Hiện tượng thần thánh hóa này chỉ có thể xuất phát từ tình cảm tự nhiên, chân thật của nhân dân, không một mệnh lệnh hành chính hoặc sức ép nào có thể thực hiện được. Trường hợp này cũng giống như nhiều vị anh hùng dân tộc trong lịch sử, như: Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… Việc xây dựng đền thờ Bác Hồ cũng là điều khẳng định niềm tin của nhân dân miền Nam vào sự nghiệp của Bác.

Ông Phan Văn Tiềm, nguyên là du kích xã Long Đức, kể rằng trước mỗi đợt xuất kích tấn công, đội du kích xã đều thắp hương hứa trước vong linh Bác sẽ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mỗi chiến thắng của chiến sĩ Long Đức đều được báo công dâng lên Bác. Bác đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ tinh thần vô cùng to lớn đối với quân dân xã Long Đức. Địch đã tổ chức hàng chục cuộc hành quân càn quét khu vực đền thờ, song song đó là hàng trăm trận sử dụng hỏa lực hủy diệt bằng pháo binh, máy bay, tàu chiến. Quân dân Long Đức đã anh dũng bám từng bờ tre, bụi cỏ để chiến đấu, quyết tử giữ đền. Từ năm 1970-1975, đền thờ đã 4 lần bị địch bắn pháo, đốt cháy để hủy hoại, nhưng cũng 4 lần nhân dân Long Đức vẫn ngoan cường quyết tâm xây dựng lại. Đây là đền thờ tồn tại trong điều kiện gian khó và ác liệt nhất ở miền Nam, mỗi một gốc cây, ngọn cỏ, mỗi một tấm tranh, phiến gỗ đều nhuốm máu xương của các chiến sĩ cách mạng và nhân dân trong vùng. Tại Bảo tàng của đền thờ hiện nay còn trưng bày hiện vật là tấm tole lợp mái đền với hàng trăm vết đạn thủng lỗ chỗ do địch bắn phá ngày 29-4-1975.

Ông Nguyễn Văn Khoa, người bảo vệ đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), từ lúc xây dựng vào năm 1969 cho đến nay vẫn tự hào kể lại chuyện đội bảo vệ và du kích địa phương đã đi nhặt những trái pháo lép, lấy trộm những trái lựu đạn của địch mang về chế tạo lại để chiến đấu ngăn chặn giặc phá đền thờ Bác. Chỉ từ năm 1969-1972, đền thờ Bác đã 2 lần bị giặc đốt phá, nhưng mỗi lần giặc triệt phá đền thờ, Đảng bộ và nhân dân địa phương lại xây dựng to đẹp hơn.

Thanh Thúy

Bài 2: Đền thờ Bác Hồ ở Đồng Nai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  661,431       2/1,029