Văn hóa

Tấm Cám: Chuyện không nên kể

Ngay từ khi mới bắt đầu khởi động, bộ phim Việt Tấm Cám: Chuyện chưa kể (đạo diễn Ngô Thanh Vân) đã liên tục được quảng cáo để gây chú ý, nào là tập trung dàn diễn viên "mỹ nữ, soái ca", đầu tư phục trang rất chăm chút và kỹ xảo điện ảnh hoành tráng không thua gì các bộ phim của Hollywood. Trailer của bộ phim tung ra càng khiến khán giả háo hức kỳ vọng.

Ngay từ khi mới bắt đầu khởi động, bộ phim Việt Tấm Cám: Chuyện chưa kể  (đạo diễn Ngô Thanh Vân) đã liên tục được quảng cáo để gây chú ý, nào là tập trung dàn diễn viên “mỹ nữ, soái ca”, đầu tư phục trang rất chăm chút và kỹ xảo điện ảnh hoành tráng không thua gì các bộ phim của Hollywood. Trailer của bộ phim tung ra càng khiến khán giả háo hức kỳ vọng.

Sự cố lùm xùm với hệ thống cụm rạp CGV khi phim chuẩn bị công chiếu càng kéo khán giả đến rạp nhiều hơn với tinh thần ủng hộ phim Việt. Tuy nhiên, Tấm Cám: Chuyện chưa kể khiến khán giả thất vọng so với những gì đã kỳ vọng, và càng “não nề” hơn về tương lai nền điện ảnh Việt với lối tư duy của những nhà sản xuất phim Việt.

* Xem phim, gặp nhiều “người quen”

Công bằng mà nói, so với nhiều phim Việt khác gần đây, Tấm Cám: Chuyện chưa kể có sự đầu tư chăm chút hơn hẳn của nhà sản xuất. Khán giả được chứng kiến những góc máy rộng toàn cảnh, quay cảnh cực cao và cảnh chen (insert shot) rất chuyên nghiệp, thể hiện được sự hùng vĩ của bối cảnh phim. Bên cạnh đó, lối quay phim sử dụng tông màu xanh lá làm chủ đạo kết hợp với kỹ xảo điện ảnh (thác nước, cầu treo) đã đưa ra góc nhìn mới đẹp đến lung linh, huyền ảo về vùng đất Ninh Bình - bối cảnh của bộ phim.

Tuy nhiên, những điểm cộng trên không “cứu” được bộ phim bởi sự lắp ghép vụng về, thiếu sáng tạo của kịch bản phim. Tấm Cám là câu chuyện cổ tích đã quá quen thuộc với mọi thế hệ người Việt Nam, vì vậy để tạo sự mới lạ phim đã thêm thắt nhiều yếu tố khác không có trong nguyên bản (nên mới gọi là chuyện chưa kể). Nào là nhân vật tể tướng (NSƯT Hữu Châu) là yêu quái, phải thu 49 linh hồn người sinh vào ngày tháng năm chí âm để luyện ngọc Giác La, chọn ngày 3 chòm sao thẳng hàng ngàn năm chỉ xảy ra một lần để nuốt ngọc mới biến thành người; nào là thái tử (ca sĩ Issac) nuốt ngọc Giác La biến thành quái vật để chiến đấu với yêu quái tể tướng, sau đó tình yêu của người đẹp Tấm (Hạ Vi) đã biến quái vật trở lại thành người…

Chỉ kể sơ, đã thấy quá nhiều “người quen” cần phải “ngả nón chào” trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Nhất là ở đoạn hoàng tử mang thân hình quái vật bay lên không trung, xoay vòng vòng rồi biến lại thành người, khán giả không khỏi cười rộ vì quá giống với bộ phim Người đẹp và quái vật. Rồi những cảnh yêu quái tể tướng có ngoại hình như khủng long dùng đuôi quật, chọt, đâm chết người, chiến đấu với hoàng tử… đã xuất hiện đến nhàm chán trong các bộ phim Hollywood, nên khi “cover” lại chỉ mang đến cảm giác khiên cưỡng, bộc lộ sự nghèo nàn ý tưởng, thiếu sáng tạo. Phim chỉ giống như nồi lẩu thập cẩm, một chút diễm tình, một chút cổ tích, một chút võ thuật, một chút hài hước… nhưng không có nét nào “tới” để làm nên điểm nhấn cho phim.

Đừng quên, mới đây vào tháng 3-2015, hãng phim Walt Disney tung ra bộ phim về nàng Lọ Lem rất thành công dù kịch bản hoàn toàn trung thành với nguyên tác, không cần phải thêm thắt những “chuyện chưa kể”.

* Muốn “ra biển lớn”, đừng ngụy biện

Một điểm trừ khác không thể không nhắc đến, đó là diễn xuất của dàn diễn viên. Nhược điểm từ trước đến nay của diễn viên phim Việt vẫn chưa được khắc phục trong phim này, đó là đài từ và diễn xuất thoại. Phần lớn diễn viên đều có đài từ cứng ngắc, thiếu cảm xúc, giọng thoại đều đều giống như trả bài, thậm chí nói ngọng, nói đớt. Bên cạnh đó, diễn viên chính Hạ Vi dù được xưng tụng “mỹ nhân vạn người mê”, nhưng nét đẹp của cô dù có thể đẹp ngoài đời lại không phải là gương mặt điện ảnh, trong những cảnh chi tiết cứ “đơ như cây cơ”, cộng thêm diễn xuất quá non nên nhân vật Tấm hoàn toàn không tạo được dấu ấn, thiếu thuyết phục.

Khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể được công chiếu, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời chê, ê-kip làm phim đã bày tỏ thái độ khó chịu, phản bác rằng đã làm hết sức mình, trách móc khán giả không biết ghi nhận những cố gắng của đoàn phim mà chỉ biết “bới bèo ra bọ”. Nên nhớ, công chúng có quyền đòi hỏi bộ phim phải xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà họ bỏ ra mua vé. Trong lĩnh vực nghệ thuật cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác, không thể chấp nhận tư duy ngụy biện “chúng tôi đã cố gắng hết sức” để bắt dư luận du di và chấp nhận sản phẩm kém chất lượng. Một bộ phim cũng như một nền điện ảnh không thể trưởng thành nếu như không nhận ra mình đang đứng ở đâu, vị trí nào, không biết nhận ra thiếu sót để khắc phục, không thể “ra biển lớn” nếu cứ tự so sánh lẫn nhau, hài lòng lẫn nhau mà không dám đặt mình vào sự hội nhập chung của thế giới.

Ong mật

Đồng Nai

© 2021 FAP
  660,960       2/1,014