Văn hóa

Bắt gặp "trùm tự yêu" chính mình

Có thể gọi triển lãm cá nhân Bắt đầu từ đâu? của Trần Thế Vĩnh là một cuộc "tự yêu" chính mình, vì tất cả đều là chân dung tự họa. Triển lãm đang diễn ra tại À Gallery, 46 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.Hồ Chí Minh.

Có thể gọi triển lãm cá nhân Bắt đầu từ đâu? của Trần Thế Vĩnh là một cuộc “tự yêu” chính mình, vì tất cả đều là chân dung tự họa. Triển lãm đang diễn ra tại À Gallery, 46 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.Hồ Chí Minh.

Trần Thế Vĩnh (tốt nghiệp Trường đại học nghệ thuật Huế năm 2010, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh) dành nhiều công phu cho chân dung tự họa, theo nhiều kiểu khác nhau, đã vẽ khoảng vài trăm bức. Yêu thích việc vẽ từ lúc còn rất bé, khoảng 3-4 tuổi đã biết cầm bút, cầm phấn sáp nguệch ngoạc khắp nơi. Trần Thế Vĩnh cho biết từ nhỏ đã thích nhìn ngắm những gì người khác vẽ, học hỏi theo đó, nên hầu như ngày nào cũng tập vẽ và vẽ.

“Qua năm tháng, sự trải nghiệm cũng lớn dần lên, quan niệm về đời và nghệ thuật cũng theo đó thay đổi. Khi những va đập của cuộc sống còn chưa đủ nhiều thì đôi lúc cái nhìn về bản ngã cũng non nớt, đôi lúc hồn nhiên, rồi khi những va đập nhiều hơn, lớn hơn thì cái nhìn đó có khi lại cực đoan, mà có khi cũng nhiều suy tư, trăn trở... Bút pháp cũng thế, có khi nhẹ nhàng, hiền hòa, cũng có khi mạnh mẽ, dứt khoát. Đây có thể là những biến động trong tâm trạng, mà cuộc hành trình còn tiếp tục để tìm kiếm một sự ổn định chân thực và dài lâu” - Trần Thế Vĩnh cho biết.

Thế nhưng, chân dung tự họa hoặc “trùm tự yêu” chính mình trong Bắt đầu từ đâu? không hoàn toàn có tính chất tô vẽ và tô hồng bản thân, mà là tự vấn, tự mỉa mai, tự châm biếm mình. Nó vừa ẩn dụ, vừa trực tiếp phê phán, với hy vọng phác họa một nội tâm đang có nhiều dằn vặt.

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh nói thêm: “Với tôi, vẽ tranh trước tiên là để thỏa mãn đam mê của chính mình, chỉ được vẽ là thích. Sau đó lớn dần lên theo trải nghiệm và học thuật, những suy tư trăn trở tìm kiếm chính mình trong hội họa, đó là phương tiện và hành trình tìm kiếm bản nguyên tự thân. Nói không quá lời, tôi đến với hội họa như là một sứ mệnh đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao tôi vẽ?”.

“Với tôi phong cách chính là nội lực tự thân có được khi có trải nghiệm từ quá trình sống, suy tư, và làm việc, sáng tạo. Khi có được một sự chín chắn của tư duy, sự vững chắc về kỹ thuật, sự chín muồi về cảm nhận, sự ổn định về tư tưởng thì phong cách sẽ rõ ràng và thực sự nhất”.

Tự họa ở Bắt đầu từ đâu? có thể là một quyến rũ chết người, một bản năng nhục dục, một thuần dưỡng ích kỷ, một kỹ năng vô thức, một cái chết ơ hờ, một mơ mộng viển vông… Dường như Trần Thế Vĩnh chỉ muốn vẽ những thứ cận nhân tình, đời thực, nên chính bản thân cũng bị bóc trần, mâu thuẫn ở nhiều khía cạnh. Nhưng tất cả đều gắn kết với đời sống trần tục này, nên những biểu tượng thanh cao và quyền thế như rồng lại vắng bóng. Trong cõi ta bà nhiều vô cảm và thực dụng như hiện nay, nơi nhiều người chẳng còn thời giờ để tự vấn xem mình là ai, từ đâu đến, đến đây làm gì, thì liệu một biểu tượng như rồng có còn cần và có còn đất sống?

Hiền Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  660,126       2/983