Văn hóa

Rau quê

Mẹ ở quê gửi lên một giỏ rau thiệt to. Đó là những loại rau quê gần gũi, mọc quanh vườn nhà: mướp, cải trời, đắng đất, nhãn lồng, đọt lang, bồ ngót...

Có loại mọc hoang, có thứ được mẹ mua hạt giống về gieo trồng. Các loại rau đều được mẹ chăm sóc tỉ mẩn.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Đã rất nhiều lần tôi kêu mẹ: “Đừng cực khổ gửi rau lên cho con, trên thành thị thứ gì mà chẳng có”. Mẹ giận, cho rằng: “Nó đủ lông đủ cánh rồi không còn nhớ đến bà già này nữa”.  Cha điện thoại lên cho biết,  tôi vội vàng gọi về xin lỗi mẹ, giãi bày rằng chỉ sợ mẹ cực khổ chứ nào có bất hiếu gì đâu. Thử nghĩ, nhà xa bến xe độ 3 cây số, giao thông ở quê thì không trật tự. Mỗi lần gửi rau lên cho tôi, mẹ phải đạp xe đến mướt mồ hôi, nhất là lúc lên dốc cầu.

Biết cực khổ, nhưng mẹ lại thích thú khi làm điều đó. Cha bảo: “Cứ mỗi lần soạn rau đóng gói lên cho con là mẹ con nôn nóng, vẻ mặt tươi rói như sắp đi hội chợ vậy”. Mẹ cho rằng rau mẹ trồng sạch, ngon hơn rau ngoài chợ. Thời buổi hóa chất độc hại tràn lan len lỏi trong mấy luống rau xanh um dù đã ghi mác “rau sạch” hẳn hoi, nên mẹ sợ ăn bên ngoài không tốt cho sức khỏe. Vì vậy ban đầu tôi còn dùng cơm “bụi”, sau thì ngoan ngoãn nghe lời mẹ chịu khó nấu cơm, chế biến thức ăn ở phòng trọ, dù có phần bừa bộn, cực nhọc nhưng bao giờ cũng ngon hơn bên ngoài. “Ngon như nhà làm” là thế.

Bạn bè bảo tôi tính toán, quá dè sẻn nên cái gì cũng bắt cha mẹ gửi lên. Mặc kệ. Đối với tôi, được dùng những thứ do cha mẹ làm ra, tạo ra luôn ngon và chất lượng. Bởi trên hết, bên trong ấy có tình cảm thiêng liêng của cha mẹ dành cho tôi. 

Thanh Vũ

Đồng Nai

© 2021 FAP
  659,603       5/967