Văn hóa

Tự hào khi được nối nghiệp gia đình

Đó là chia sẻ của nghệ sĩ cải lương Bình Tinh - người vừa đoạt giải quán quân chương trình Sao nối ngôi do Đài PT-TH Vĩnh Long tổ chức.

Đó là chia sẻ của nghệ sĩ cải lương Bình Tinh - người vừa đoạt giải quán quân chương trình Sao nối ngôi do Đài PT-TH Vĩnh Long tổ chức. 

Cũng theo nữ nghệ sĩ, giải thưởng là động lực, một niềm tự hào để cô tiếp tục dấn thân cống hiến cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

* Được lên sóng truyền hình nhờ cuộc thi

 Gần 30 năm theo nghiệp cải lương, nhưng chỉ khi tham gia chương trình Sao nối ngôi, khán giả mới biết đến một Bình Tinh có chất giọng khỏe, ngọt ngào. Vậy thời gian trước đó, Bình Tinh biểu diễn ở đâu?

- Phải nói là gần 30 năm theo nghề, tôi chưa có cơ hội được lên truyền hình để hát phục vụ khán giả. Thời gian trước đây, sau những biến cố của gia đình: cha và anh mất, mẹ vào chốn thanh tịnh để ở ẩn thì tôi phải một mình gồng gánh mọi việc của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, là cơ nghiệp của ông bà, cha mẹ  truyền lại. Phải chạy đôn chạy đáo lo từng suất diễn để những nghệ sĩ lớn tuổi đã gắn bó với đoàn cải lương của gia đình hàng chục năm qua tiếp tục có đất diễn, có tiền nuôi thân.

Chắc cũng bởi phải tất bật với những chuyện này, đồng thời nhiều năm qua nghệ thuật cải lương cũng không còn được ưa chuộng như trước nên khán giả ít biết đến Bình Tinh chăng?

 Sau giải thưởng quán quân Sao nối ngôi, nghề diễn với Bình Tinh có nhiều chuyển biến không?

- Chuyển biến nhiều lắm chứ. Trước tiên là chỉ ở những vòng thi đầu, Bình Tinh đã bắt đầu được khán giả biết và chú ý. Rồi khi nắm giữ chiếc cúp quán quân trên tay, Bình Tinh được nhiều bầu show mời đi hát. Mới đây nhất là Bình Tinh vừa có chuyến lưu diễn 3 ngày tại Úc phục vụ bà con hải ngoại. Cũng từ đây, mức thù lao mà Bình Tinh cũng như khi đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long nhận được qua mỗi chương trình cũng tăng hơn trước. Đặc biệt nhất là Bình Tinh có cơ hội xuất hiện trong các chương trình cải lương được phát trên truyền hình trong thời gian tới.

 Nhiều nghệ sĩ cải lương lão thành chia sẻ, nghề cải lương cực khổ, bạc lắm và điều này đã ám vào số mệnh không biết bao người, ngay chính Bình Tinh từ nhỏ đã thấy nỗi khổ cực này của ông bà, cha mẹ. Vậy sao Bình Tinh không chọn cho mình một nghề khác nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn?

- Ngay từ rất nhỏ, Bình Tinh đã từng có dịp theo chân cha mẹ đi lưu diễn các nơi. Vậy nên nỗi khổ cực của nghề đối với từng nghệ sĩ cải lương, Bình Tinh đã thấy rõ ngay từ khi mới ít tuổi. Nhưng cứ nghĩ đến hình tượng trên sân khấu của người nghệ sĩ: được hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau, được hát trên sân khấu mà bên dưới mọi người chú ý lắng nghe rồi vỗ tay tán thưởng là những trở ngại trong suy nghĩ đều tiêu tan.

Để rồi giờ đây qua nhiều năm gắn bó với nghề, Bình Tinh thấy lựa chọn của mình là không sai chút nào. Đặc biệt, được làm nghề là một sự tự hào của Bình Tinh khi đã tiếp nối, giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, của gia đình.

* Làm mới cải lương để hút khán giả

 Theo Bình Tinh, trong một thời điểm mà cải lương không còn ở thời hoàng kim thì việc giữ nghề có khó không?

- Rất khó! Hiện Bình Tinh và những thành viên trong đoàn cải lương đang gặp phải không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nơi biểu diễn, làm sao để hút khán giả đến xem từng vở cải lương. Điều này gắn bó mật thiết với đời sống nghệ sĩ, không ít người vì không chịu đựng nổi mà đã chuyển sang hoạt động ở một lĩnh vực khác.

 Để vượt qua cái khó, Bình Tinh và đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long có cách làm gì?

- Cách làm nào giờ đây để vực dậy cải lương cũng rất khó. Nhưng hiện cá nhân Bình Tinh và các cô chú, anh chị trong đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đang thực hiện một việc làm được xem là khá táo bạo. đó là làm mới cải lương, cụ thể ở đây là làm mới kịch bản cải lương cũ mà khán giả đã quen thuộc. Chẳng hạn, như với vở Xử án Phi Dao do chính mẹ của Bình Tinh là nghệ sĩ Bạch Mai viết. Vở diễn này nguyên gốc nói về cung phi Phi Dao, nhân vật vốn sẵn tính ác trong người. Vì để giữ vững quyền lợi trong cung cấm của bản thân mà bất chấp thủ đoạn tàn hại người khác. Song khi dựng lại vở này và được các cô chú nghệ sĩ đi trước góp ý, Bình Tinh đã thay đổi tính cách của nhân vật. Trong đó, Phi Dao vì hoàn cảnh đưa đẩy, phải tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm luôn rình rập mà đành phải làm việc ác, chứ thật tâm nàng không muốn vì đây là một cô gái lương thiện.

 Sự thay đổi này được khán giả đón nhận ra sao?

- Sự thay đổi này rất được khán giả yêu thích. Nhân vật Phi Dao từ một người bị ghét bỏ, lên án trở thành một phụ nữ đáng thương trong mắt khán giả. Nhiều người xem lớn tuổi cũng động viên Bình Tinh nên tiếp tục thực hiện sự chuyển biến này nhằm đem đến sự mới mẻ cho những nhân vật mà họ đã quen thuộc trong những suất diễn từ trước đến nay. Do vậy, trong thời gian tới khán giả sẽ tiếp tục được xem những suất diễn với tên kịch bản cũ nhưng diễn biến nhân vật hoàn toàn mới do Bình Tinh và các nghệ sĩ của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long biểu diễn.

 Xin cảm ơn Bình Tinh!

 Nghệ sĩ cải lương Bình Tinh có tên thật là Huỳnh Ngọc Trinh (ảnh). Cô sinh năm 1981 tại TP.Hồ Chí Minh và hiện là Trưởng đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Là con gái của nghệ sĩ cải lương Đức Lợi và nghệ sĩ - soạn giả Bạch Mai, nhờ là con nhà nòi nên khi mới 4 tuổi, Bình Tinh đã được đứng trên sân khấu biểu diễn.

Văn Truyên (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  658,442       2/938