Văn hóa

Cây rơm vàng trước ngõ

Cũng tầm ngày này những năm về trước, lúa ngoài đồng đã gặt xong. Rơm rạ được mọi người chuẩn bị kỹ càng, phơi phóng khắp đường làng ngõ xóm.

Rơm bồng bềnh, lạo xạo dưới gót chân, nâng niu bao bàn chân trần thơ trẻ. Ra ngõ gặp rơm. Xuống đường đụng rơm. Nhưng chẳng ai lấy làm khó chịu, ngược lại càng thích thú. Đường làng như ướp thêm hương nồng xôn xao, mùi lúa mới còn sót lại, thoảng quyện mùi bùn đồng ruộng ngai ngái.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Nhưng rồi cọng rơm cuối cùng cũng khô khén, cong lên, giòn rụm. Nhà nào nhà nấy dựng một cây rơm trước ngõ. Cây rơm dựng lên, ngoài làm thức ăn dự trữ cho trâu bò, chỗ nằm cho gia súc thì còn để đun, nấu. Để dựng được cây rơm chắc chắn, ngon lành cũng không dễ dàng ngày một ngày hai, mà có khi cả tuần mới xong. Cây trụ phải thật chắc, vững. Nóc rơm phải vun lên, thoai thoải tránh mưa thấm. Cha tôi cẩn thận chụp lên tấm ny-lông hoặc phủ lớp lá chuối khô phòng mưa ngấm thối lõi.

Ngày xưa đói khổ, cha tôi bện những chiếc đệm rơm ấm áp. Cứ như thế rơm bé nhỏ nhưng quá diệu kỳ, cùng cả nhà tôi vượt qua những đợt gió buốt tái tê. Bên cây rơm, lũ con nít ngồi tỉ mẩn lấy những sợi rơm thẳng, vàng nhất tết thành chổi hoặc đồ chơi, như: búp bê, con trâu, con dế… Cũng có khi chúng tôi tận dụng để làm chỗ nấp chơi trò năm mười. Lúc hứng chí lên, chúng tôi nghịch ngợm bày trò ra đồng vặt trộm ngô về lấy rơm làm mồi lửa nướng. Tình bạn ngọt ngào, tinh khôi của chúng tôi trải qua những kỷ niệm giản dị như thế.

Cũng may là quá trình đô thị hóa chưa len lỏi vào mảnh đất quê tôi. Những nét xưa vẫn còn lưu giữ lại. Và cây rơm vàng trước ngõ vẫn hiện lên thật thân thương, gần gũi. Trong tôi hình ảnh cây rơm vàng thật đẹp, ngân rung lên biết bao xúc cảm trong lòng như những câu thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Lúa đồng đang gặt rộ/Cau chín ngang mái nhà/ Gió heo may gọi rét/Cây rơm vàng như hoa”.

Cao Văn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  655,071       1/986