Văn hóa

Xem nghệ thuật đóng sách và đóng sách nghệ thuật

Trong 2 ngày 11 và 12-2, tại Quán sách Mùa Thu (đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP.Hồ Chí Minh, bên hông Bưu điện thành phố) diễn ra cuộc triển lãm có một không hai về "nghệ thuật đóng sách và đóng sách nghệ thuật".

Trong 2 ngày 11 và 12-2, tại Quán sách Mùa Thu (đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP.Hồ Chí Minh, bên hông Bưu điện thành phố) diễn ra cuộc triển lãm có một không hai về “nghệ thuật đóng sách và đóng sách nghệ thuật”. Trong 42 hiện vật được trưng bày, có những ấn bản sách từ thời trung cổ được các nhà sưu tập sách Việt Nam gìn giữ.

Tác phẩm Lều chõng của Ngô Tất Tố in năm 1941 trên giấy dó. Nếu không có “nghệ thuật đóng sách” gìn giữ sẽ khó còn nguyên vẹn. Ảnh : D.Trí
Tác phẩm Lều chõng của Ngô Tất Tố in năm 1941 trên giấy dó. Nếu không có “nghệ thuật đóng sách” gìn giữ sẽ khó còn nguyên vẹn. Ảnh : D.Trí

Những ấn bản đặc biệt, gồm: thủ bản (manuscrit) năm 1450. Thời trung cổ, các thủ bản thường được thực hiện trong các tu viện. “Giấy” làm từ da bê chết lúc lọt lòng để hội đủ 3 điều kiện: trắng, trong và mỏng. Về màu sắc, màu xanh từ đá quý xay mịn, màu vàng từ vàng dát và màu đỏ từ một loại sâu trong rừng. Post incunable 1503 gồm các sách xuất bản từ năm
1450-1500, được mang tên incunable và post incunable cho những cuốn từ năm 1501-1550.

Người xem cũng sẽ lần đầu được tận mắt nhìn thấy một cuốn sách cổ được phục chế. Sách bị mất gáy, phải nối chỉ ở gân để gắn vào bìa mới, thêu gân gáy và bọc toàn da; cuốn Thánh Kinh đầu tiên của Hà Lan - một trong những cuốn ít gặp còn nguyên khóa. Ở 4 góc bìa có 4 khuy (cabochon) để bảo vệ da bìa khi mở sách; sách được đóng tại Việt Nam cuối thập niên 1940; vải thổ cẩm được sử dụng cho việc đóng sách...

Do độ độc đáo và quý hiếm như thế, nên triển lãm chỉ trưng bày trong 2 ngày để bảo tồn độ nguyên vẹn như hàng trăm năm các hiện vật đã tồn tại.

Vào lúc 9 giờ ngày 12-2, nhà sưu tập sách Dư Thanh Khiêm sẽ có buổi giao lưu về nghệ thuật làm đẹp và bảo tồn sách quý hiếm tại Quán sách Mùa Thu. Ông Khiêm cho biết: “Trong suốt quá trình gần 2 ngàn năm, nghệ thuật đóng sách đã gom góp kiến thức của nhiều lĩnh vực: thuộc da, sản xuất giấy, kim hoàn, mộc, thêu thùa, hóa chất, hội họa và không ngần ngại sử dụng những dụng cụ của y khoa, nha khoa vào trong ấn loát... Kể từ thập niên 1970, đóng sách không còn đơn thuần chỉ là một nghề kiếm sống. Những bước ngoặt ngoạn mục trong ngành đã làm cho việc đóng sách trở thành một nghệ thuật đầy sáng tạo với những tên tuổi mê hoặc giới sưu tầm”.

Tại Việt Nam, sách cổ và cũ ngày càng lôi cuốn không ít người. Nhưng nghịch lý là trên 60 năm qua, ngành đóng sách đã dần mai một, ít ai quan tâm đến việc đóng và phục chế - giải pháp duy nhất để kéo dài tuổi thọ của sách. Buổi trò chuyện của nhà sưu tập Dư Thanh Khiêm sẽ cung cấp cho giới sưu tầm và bạn đọc một cái nhìn tổng quan nhất về lịch sử và sự phát triển của nghề đóng sách trên thế giới và ở Việt Nam. Song song với buổi trò chuyện, phía trước gian hàng Quán sách Mùa Thu sẽ trưng bày hơn 25 cuốn sách và công cụ đóng sách được đóng công phu bởi nhà sưu tập sách  Dư Thanh Khiêm.

Các công cụ dùng đóng sách này có lẽ ít người nhìn thấy trong đời, như: Equerre có chân (équerre à talon) dùng để đo sách cho vuông vắn, compas dùng để đo chính xác, thước đặc biệt bắt đầu bằng số 0, mũi nhọn để đánh dấu, dao phẫu thuật nhọn, dao phẫu thuật tròn, composteur để sắp chữ in nhũ mạ...

Mỗi người trong đời ít nhất cũng một lần cầm cuốn sách để đọc, nếu hiểu thêm việc làm ra một cuốn sách như thế nào từ thời trung cổ đến nay cũng là một điều thú vị khi cầm các cuốn sách trên tay.

Danh Trí

Đồng Nai

© 2021 FAP
  652,859       1/937