Văn hóa

Thói quen mới khi xem phim

Từ đầu tháng 1-2017 đến nay, nhiều học sinh đến mua vé xem phim phải ra về vì chọn phim C16 (phim cấm đối với khán giả 16 tuổi) nhưng lại quên mang giấy chứng minh nhân dân;...

trường hợp cả gia đình không chọn được phim để cùng xem với nhau nên phải ra về. Nhân viên bán vé cũng tốn nhiều thời gian hơn để đối chiếu giấy tờ tùy thân của khách khi có người mua vé xem phim có dán nhãn C (quy định độ tuổi)...

Người dân thuộc nhiều lứa tuổi đến xem phim tại Cụm rạp CGV Biên Hòa trong tháng 2-2017.

Nhân viên Cụm rạp Lotte Cinema Đồng Nai kiểm tra thông tin một nhóm khách với nhiều lứa tuổi đến xem phim.

Đây là những câu chuyện dễ dàng bắt gặp ở các rạp kể từ khi quy định độ tuổi đối với người xem phim được áp dụng. Tuy có đôi chút phiền hà vì nhiều người chưa quen, thời gian bán vé tăng lên do phải kiểm tra xem giấy tờ tùy thân, song tiêu chí phân loại phim theo lứa tuổi của Thông tư số 12 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 được dư luận đánh là rất cần thiết.

Xây dựng thói quen

Theo Thông tư số 12 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017,  có 4 mức nhãn tương ứng với quy định lứa tuổi dành cho người xem phim. Trong đó: P là dành cho mọi lứa tuổi; C13: cấm người dưới 13 tuổi; C16: cấm người dưới 16 tuổi và C18: cấm người dưới 18 tuổi.

Vừa hướng dẫn khách chọn phim, chọn ghế ngồi, ông Vũ Xuân Trung, Rạp trưởng Cụm rạp Lotte Cinema Đồng Nai, vừa lưu ý khách xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ liên quan có ảnh để đối chiếu xem khách đủ tuổi vào xem phim dán nhãn C hay chưa.

Công việc này cũng diễn ra tương tự tại Cụm rạp CGV Biên Hòa. Bộ phận tiếp nhận và bán vé tại đây cũng từ chối khá nhiều khách vì chưa đủ tuổi xem phim. Đại diện Cụm rạp CGV Biên Hòa cho biết hơn 1 tháng qua, nhân viên rạp vừa bán vé kiêm luôn thông tin quy định lứa tuổi xem phim cho khách. Rạp cũng đã từ chối khá nhiều khách sau khi tư vấn mà mọi người không tìm được phim khác để xem. Chẳng hạn, có trường hợp vì là học sinh THCS nên chưa đủ tuổi xem phim C16; hay có gia đình muốn xem phim dán nhãn C13 nhưng do có 3 cháu bé tầm 8-10 tuổi nên cả nhà không cùng vào xem được, vậy là khách bỏ về.

Người dân thuộc nhiều lứa tuổi đến xem phim tại Cụm rạp CGV Biên Hòa trong tháng 2-2017.
Người dân thuộc nhiều lứa tuổi đến xem phim tại Cụm rạp CGV Biên Hòa trong tháng 2-2017.

Về phía người đến xem phim, bà Trần Thị Minh Hồng (ngụ phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa) nói: “Chúng tôi không thể để con cháu vào xem ở một phòng chiếu còn cha mẹ xem phim ở phòng chiếu khác, vì 2 con và cháu của tôi đều dưới 12 tuổi nên chúng tôi không yên tâm. Nếu xem phim dán nhãn P (dành cho mọi lứa tuổi) thì cả nhà không có chung sở thích. Vậy nên chúng tôi chuyển sang hình thức vui chơi khác thay vì xem phim”.

Để giúp người xem phim định hình thói quen mới, các cụm rạp chiếu phim đều dán thông báo tại sảnh của rạp, đăng thông tin lên trang web. Tuy nhiên theo đại diện các cụm rạp, có thông tin đăng tải nhưng không phải ai cũng để ý.  Rạp phải giải thích với từng người mua vé, xem thông tin trên giấy tờ tùy thân nên tốn nhiều thời gian của nhân viên, ngoài ra lượng khách vào rạp cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, người đến rạp đã dần quen với quy định mới. “Trước lúc đến rạp, tôi đều lên trang thông tin điện tử của từng cụm rạp để tìm hiểu về độ tuổi được xem phim, từ đó chọn phim cho cả nhà. Đặc biệt là khi đến rạp, nhất là biết phim đó có dán nhãn quy định độ tuổi thì từng thành viên trong gia đình tôi đều mang theo giấy chứng minh nhân dân” - bà Nguyễn Thị Hoài (ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay.

Cần dán đúng phim, bán đúng vé

Đạo diễn Trương Quang Thịnh chia sẻ việc dán nhãn lứa tuổi xem phim, người trong nghề phấn khởi bởi nhà sản xuất, đạo diễn sẽ không còn tâm lý phim mình làm ra có qua được khâu kiểm duyệt để chiếu hay không. Giờ đây, điều mọi người lo nhất là phim được dán nhãn hạn chế đối tượng khán giả hay dán nhãn dành cho mọi người xem. Nhưng dán nhãn ra sao để người làm phim tâm phục khẩu phục chứ không vì quan hệ mà phim này được ưu tiên dán nhãn P, phim kia dãn nhãn C, mặc dù cả hai phim đều không có yếu tố gì là bạo lực, sex. “Tôi lấy ví dụ như phim Tây du ký ngoại truyện 2 (Trung Quốc) có khá nhiều cảnh bạo lực, cảnh quay táo bạo về hình thể. Các nước khác đều dãn nhãn quy định lứa tuổi người xem nhưng khi chiếu ở nước ta thì ai xem cũng được. Trong khi vừa qua có một số phim Việt hướng đến đại chúng lại bị dán nhãn quy định lứa tuổi C13, C16” - đạo diễn Trương Quang Thịnh nói.

Còn những người trực tiếp làm công tác phát hành, quản lý phim đón nhận quy định này với một niềm vui xen lẫn trăn trở. Ông Đỗ Dũng, hội viên Hội điện ảnh Việt Nam tại Đồng Nai, người từng đóng góp ý kiến cho dự thảo quy định dán nhãn quy định tuổi người xem phim của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cho rằng quy định này tăng cường được sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực làm phim, kiểm soát được đối tượng hưởng thụ văn hóa theo độ tuổi; đặc biệt quy định đã tạo sự yên tâm cho phụ huynh mỗi khi con em mình đến rạp xem phim mà không có cha mẹ giám sát. Tuy nhiên, việc dán nhãn cần cân nhắc thật kỹ sao cho chính xác vì điều này có ảnh hưởng rất lớn đến lượng người xem phim và doanh thu của phim.

Song song với khâu dán nhãn, khán giả cũng kỳ vọng các cụm rạp chiếu phim trong tỉnh sẽ tự giác thực hiện nghiêm túc việc bán vé đúng vé xem phim cho đối tượng theo quy định. “Tôi rất mong các cụm rạp chiếu phim đừng vì lợi nhuận mà thực hiện qua loa quy định này, để từ đó góp phần xây dựng một nét văn hóa mới khi đến rạp” - ông Trần Lê Như Hoành (ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) nói.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  652,620       2/931