Văn hóa

Người phụ nữ trong thơ Huỳnh Văn Nghệ

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là người vừa cầm súng vừa cầm bút. Không chỉ là một chỉ huy quân sự tài giỏi, ông còn là nhà báo, nhà văn và nhà thơ với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Thơ ông đậm chất Nam bộ, mộc mạc giản dị nhưng giàu lòng yêu nước. Hình ảnh người phụ nữ miền Đông Nam bộ đã là nguồn cảm hứng trong thơ ông.

Huỳnh Văn Nghệ tại Chiến khu Đ thời kháng chiến chống Pháp.
Huỳnh Văn Nghệ tại Chiến khu Đ thời kháng chiến chống Pháp.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là người vừa cầm súng vừa cầm bút. Không chỉ là một chỉ huy quân sự tài giỏi, ông còn là nhà báo, nhà văn và nhà thơ với nhiều tác phẩm nổi tiếng.  Thơ ông đậm chất Nam bộ, mộc mạc giản dị nhưng giàu lòng yêu nước. Hình ảnh người phụ nữ miền Đông Nam bộ đã là nguồn cảm hứng trong thơ ông.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đánh giặc bằng cả súng và bút. Ông làm thơ để đánh giặc. Hình ảnh cuộc kháng chiến miền Đông Nam bộ như hiện lên trong thơ ông. Qua thơ ông, người đọc có thể hiểu về con người, mảnh đất miền Đông Nam bộ gian lao mà anh dũng, trong đó có hình ảnh người phụ nữ miền Nam.

Khi giặc Pháp xâm chiếm Nam bộ, tàn phá quê hương thì người con gái Tân Uyên (nay là huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đau đớn, căm thù giặc:

Gái Tân Uyên ứa lệ trưa hè

Thương vưn cũ dâu, chè không ai tưới.

(Bờ sông bị chiếm, 1950)

Trong cảnh nước mất, nhà tan, người con gái đã tham gia chiến đấu bên cạnh đồng đội:

Ra mặt trận chen chân trai lẫn gái.

(Mất Tân Uyên)

Thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, có bà mẹ đốt nhà không tiếc tài sản mà chỉ tiếc:

Cái ống ngoáy trầu thôi

Bằng đồng chùi sáng dói

Bỏ quên trong lúc chạy

Bây giờ đồng cũng chảy.

(Mẹ buồn)

Một nỗi buồn rất đời thường của một bà mẹ già.

Khi thấy bà già bán cau, Huỳnh Văn Nghệ xúc động, nhạy cảm trước bất hạnh của người đời:

Bà bán cau gánh nặng vai oằn

...

Nón, dù đâu? Nắng đốt chiếc khăn rằn.

(Bà bán cau, 1935)

Một em bé giao liên bị giặc bắt tra tấn dã man. Người mẹ thương con, khuyên con khai ra mẹ để mẹ chịu đòn thay con. Ông đã viết:

Thà rằng con sống mồ côi

Còn hơn để mẹ suốt đời khóc con

(Em bé liên lạc)

Hình ảnh Bác Hồ luôn sống mãi trong lòng người dân Nam bộ. Để tỏ lòng kính yêu, người mẹ đã đưa hình ảnh Bác Hồ vào trong lời ru con:

“Hồ Chí Minh muôn năm!”

Khẩu hiệu thành khúc hát

Mẹ ru con giữa rừng.

(Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam bộ)

Trong vòng tay ấm áp, yêu thương của mẹ già, nhà thơ đã kể lại cho mẹ nghe những chiến công của quân và dân Đông Nam bộ anh hùng:

Chỗ này là trận Bưng Còng

Còn đây Bến Sắn thành công mới rồi

Trảng Bom lửa cháy ngập trời

La Ngà xe giặc tơi bời giữa trưa.

(Tình súng - 1952)

Mỗi khi tết đến, xuân về, nỗi lòng người mẹ, người vợ lại thao thức nhớ chồng, thương con:

Đêm hôm nay cũng có bà mẹ khổ

Mỏi trông con quên cả lễ giao thừa

...

Đếm tuổi con để nhớ thuở xa chồng.

(Tết quê người, 1942)

Hình ảnh người mẹ, người phụ nữ được ông kết tinh, hội tụ trong dáng hình mẹ Việt Nam:

Mẹ Việt Nam tuổi bốn mươi thế kỷ

Gót Cà Mau đầu tựa Ải Nam Quan

Cửu Long giang buông dài dòng sóng tóc

Dựa Trưng Sơn đứng gác Thái Bình Dương.

(Mẹ Việt Nam)

Hồn thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chính là hồn sông núi, đất nước, chảy trong máu của một dân tộc bất khuất anh hùng, dạt dào tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Thơ ông luôn có sức lan tỏa, có sức sống mãnh liệt như bài thơ Nhớ Bắc nổi tiếng của ông:

Ai về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông, giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

(Nhớ Bắc)

Bài thơ thể hiện hào khí, hồn thiêng sông núi của cả dân tộc. Một bản anh hùng ca.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là một người văn võ song toàn. Nhân dân ca ngợi ông là “thi tướng rừng xanh”. Đồng đội gọi tên ông trìu mến, thân thiết: “Anh Tám Nghệ”. Thơ văn và cuộc đời ông như bức tượng được khắc họa trong lòng nhân dân Nam bộ. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã lấy tên ông đặt cho những con đường để ghi nhớ công lao của ông: Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2-2-1914, tại làng Tân Tỉnh, Tổng Chánh Mỹ Hạ (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông mất ngày 5-3-1977 tại Bệnh
viện Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh).

Huỳnh Văn Nghệ tham gia cách mạng từ năm 1932. Tháng 8-1945, ông chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa. Ngày 1-3-1948, ông chỉ huy trận đánh La Ngà, được Bác Hồ khen thưởng Huân chương Chiến công hạng 2. Ông đã đến căn cứ Bình Xuyên thuyết phục Lê Văn Viễn, thủ lĩnh phái Bình Xuyên, tham gia kháng chiến. Sau năm 1975, ông là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Vũ Đức Vinh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  652,113       1/917