Vài năm gần đây, báo chí và công chúng đã nhiều lần lên tiếng với diễn hài tục, nhảm từ sân khấu đến truyền hình nhưng tình hình có vẻ chưa… "thuyên giảm"!
Vài năm gần đây, báo chí và công chúng đã nhiều lần lên tiếng với diễn hài tục, nhảm từ sân khấu đến truyền hình nhưng tình hình có vẻ chưa… “thuyên giảm”!
Một cảnh trong vở Tấm Cám diễn cuối năm 2016. |
Bằng chứng là mới đây thí sinh nói từ nhạy cảm trên sóng truyền hình mà vẫn giành giải thưởng lớn trong Thách thức danh hài. Rồi ca sĩ Hương Lan phản ứng việc Việt Hương nói chuyện thô tục trong đám cưới một ca sĩ hải ngoại…
Lối hài tục giảng thanh xuất hiện từ khá lâu trong làng hài. Tuy nhiên, có vẻ chưa bao giờ kiểu hài đó bị lạm dụng nhiều như hiện nay. Nếu như ngày xưa lối hài đó được sử dụng duyên dáng, ý nhị, hóm hỉnh và có chừng mực thì bây giờ nhiều diễn viên sử dụng một cách thô thiển, thô tục. Nó thô tục đến mức người xem cảm thấy đỏ mặt, mắc cỡ. Không ít người chịu không nổi phải đứng lên bỏ về hoặc tắt tivi, chuyển sang kênh khác.
Theo NSƯT Bảo Quốc, thường một số nghệ sĩ hài khi diễn chừng 5-10 phút mà khán giả không… ép phê, không chịu cười thì khi đó họ sẽ sốt ruột và vin ngay vào chuyện nói bậy, nói tục để chọc cười cơ học những khán giả dễ tính. Khán giả cười càng nhiều thì nghệ sĩ có khi nói bậy càng hăng và dẫn đến thiếu kềm chế…
Để hài nhảm, hài tục tràn lan như hiện nay có nhiều nguyên do, nhưng rõ ràng bản thân nghệ sĩ phải tự nhìn nhận lại mình. Sự thiếu vắng những kịch bản hài hay, có đầu tư xây dựng tình huống hài để tạo ra những tiếng cười đắt giá khiến nghệ sĩ bơi quào, lấp liếm nói nhây, nói nhảm, nói tục trên cái sườn kịch bản hời hợt. Để trở thành nghệ sĩ hài không hề đơn giản, bạn phải có năng khiếu và sự rèn luyện để có thể duyên dáng tung hứng trong từng mảng miếng và chốt hạ làm khán giả phải bật cười. Tuy nhiên, diễn viên hài xuất hiện như nấm sau mưa. Tài năng có hạn mà không chịu khó rèn luyện nên làng hài ngày càng trở nên bát nháo.
Diễn viên trẻ đã thế, không ít nghệ sĩ cha chú, đàn anh, đàn chị có danh hiệu đàng hoàng khi lên sân khấu cũng không giữ được nề nếp, quy tắc để bọn trẻ thấy thế cứ vậy mà bắt chước theo. Khán giả đã từng sững sờ khi nghe một nữ NSND chửi thề ngay trên sân khấu hài trong mùa tết, vậy bảo sao một giám khảo trẻ không tự nhiên bật cười trước lời nói tục của một thí sinh trong gameshow hài. Bởi, họ xem chuyện bất thường là bình thường…
Câu hỏi đặt ra, bao giờ có thể “tuýt còi” được hài nhảm, hài tục?
Với sân khấu, khi ra mắt một vở diễn, một tiết mục hài bao giờ cũng phải được phúc khảo và được sở cấp phép mới được biểu diễn. Nhưng lúc diễn phúc khảo thì dại gì nghệ sĩ nói bậy, chỉ khi ra sân khấu biểu diễn, tương tác với khán giả thì các “hài sĩ” mới… bung miếng! Tại sao nghệ sĩ dám… cả gan đến thế, vì họ thừa biết khâu hậu kiểm của sở bao giờ cũng rất yếu. Không thể đủ người để đi theo… canh bắt nghệ sĩ diễn vượt rào vì có quá nhiều điểm diễn. Rốt cuộc, lâu lâu cũng chỉ có những lần phạt kiểu… phạt nguội khi báo chí, công chúng phản ánh sai phạm của nghệ sĩ, sở mới kiểm tra và ra quyết định phạt. Mà mức phạt cũng không thấm tháp gì nên một số nghệ sĩ vẫn chưa biết ngán…
Với sóng truyền hình thì tương đối độc lập. Tuy nhiên, hài nhảm, hài tục xuất hiện nhiều từ nơi đây và thật đáng lo ngại khi truyền hình sở hữu một lượng khán giả đông đảo. Nhiều lời kêu gọi các nhà đài phải siết chặt hơn khâu kiểm duyệt, đừng để lọt sóng những chương trình quá nhảm nhí, cẩu thả. Thế nhưng cho đến giờ từ đài lớn đến đài nhỏ, từ địa phương đến trung ương đều có những chương trình gánh chịu ít nhiều chỉ trích của công chúng.
Dễ thấy hài vẫn đang là xu thế, vẫn kiếm ra tiền thì các công ty truyền thông vẫn mặn mòi sản xuất, và các nhà đài vẫn phát sóng. Có người bảo rằng cứ đà hài nhảm, nhạt nhẽo như thế này sẽ tự bão hòa và đào thải trong thời gian tới. Nhưng trong bao lâu, khi mà trong gia đình con cái chúng ta bật kênh nào cũng có thể xem, nghe hài nhảm, hài tục mà chúng ta không thể kiểm soát được hết. Và những ảnh hưởng xấu từ những kiểu hài nhảm nhí, thô tục như thế với bọn trẻ là khôn lường…
Trí Trọng