Văn hóa

Giỗ Tổ Hùng Vương trong lòng người Đồng Nai

Thành kính nhớ đến cội nguồn dân tộc; linh thiêng 2 tiếng Hùng Vương; nhớ ngày mùng 10-3 là nhớ về quê hương, kính yêu Tổ quốc... Đó là những cụm từ được người dân Đồng Nai chia sẻ về lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm.

Thành kính nhớ đến cội nguồn dân tộc; linh thiêng 2 tiếng Hùng Vương; nhớ ngày mùng 10-3 là nhớ về quê hương, kính yêu Tổ quốc...  Đó là những cụm từ được người dân Đồng Nai chia sẻ về lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm.

Một thí sinh tham gia hội thi kể chuyện các đời Vua Hùng được tổ chức tại Văn miếu Trấn Biên.
Một thí sinh tham gia hội thi kể chuyện các đời Vua Hùng được tổ chức tại Văn miếu Trấn Biên.

Chính từ sự thành kính đối với tổ tiên, lòng tự hào với truyền thống dân tộc nên vào mỗi dịp mùng 10-3 âm lịch, nên không chỉ có người dân TP.Biên Hòa - nơi có Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương - được chọn làm địa điểm chính của tỉnh để tổ chức lễ giỗ Tổ mà người dân các huyện, thị đều hưởng ứng sự kiện văn hóa truyền thống này.

* Ngày của sum họp…

Phần lễ chính của lễ giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ sáng 6-4 (mùng 10-3 âm lịch) với các nghi thức trang trọng: rước bánh chưng, bánh giầy, hoa quả, lễ vật từ các nơi về Đền thờ Quốc Tổ. Lãnh đạo tỉnh, TP.Biên Hòa cùng các huyện, thị và nhân dân dâng hương, hoa, lễ vật lên Quốc Tổ; trao thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tốt ở các hội thi...

Năm nay, ngày giỗ Tổ không rơi vào thứ bảy, chủ nhật hoặc cận kề các ngày cuối tuần để được bố trí thời gian nghỉ bù như mọi năm mà chỉ nghỉ một ngày duy nhất. Thời gian nghỉ lễ ít không đồng nghĩa với việc người từ phương xa không về nhà để tham gia lễ giỗ Tổ, sum họp gia đình. “Con, cháu tôi đi làm việc cách nhà hơn 100km. Những năm trước do được nghỉ từ 2-4 ngày nên dịp giỗ Tổ nào cả nhà cũng họp mặt để đến dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Năm nay, tuy chỉ được nghỉ có một ngày thôi nhưng con cháu tôi đều gọi điện báo sẽ về để sáng mùng 10-3, cả gia đình cùng đi dâng hương lên Quốc Tổ. Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại xã rất lớn, sạch sẽ thoáng mát, cảnh sắc xanh tươi nên sau lễ cả nhà chúng tôi thường chụp ảnh lưu niệm, vui chơi tại đây. Có thể nói đây là nét sinh hoạt truyền thống của gia đình tôi”- bà Lê Thị Hồng Xuyến (56 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) nói.

Cựu chiến binh Đỗ Thế Duyệt, Trưởng ban trị sự Hội đền Thánh Trần Hưng Đạo (TX.Long Khánh) đang chuẩn bị kiệu để rước bài vị Quốc Tổ trong sáng mùng 10-3.
Cựu chiến binh Đỗ Thế Duyệt, Trưởng ban trị sự Hội đền Thánh Trần Hưng Đạo (TX.Long Khánh) đang chuẩn bị kiệu để rước bài vị Quốc Tổ trong sáng mùng 10-3.

Không chỉ ở nơi có Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương như huyện Tân Phú và TP.Biên Hòa mà tại các đình, đền có phối thờ bài vị, tượng chân dung Vua Hùng, những ngôi trường được đặt tên theo Quốc Tổ, các hoạt động hướng về đất Tổ, kính nhớ tổ tiên cũng được thực hiện thường xuyên hàng năm. Cựu chiến binh Đỗ Thế Duyệt, Trưởng ban trị sự Hội đền Thánh Trần Hưng Đạo, cho biết: “Năm 1960, Đền thờ Thánh Trần Hưng Đạo (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) được xây dựng thì cũng là lúc lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức. Mỗi năm vào đúng sáng mùng 10-3, trong không khí trang nghiêm của lễ giỗ Tổ, chúng tôi dành hẳn một khoảng thời gian nhất định để nói chuyện về truyền thống lịch sử cội nguồn của dân tộc cho học sinh, đoàn viên thanh niên đến tham dự lễ. Từ đó, lễ giỗ Tổ không chỉ có các nghi thức dâng hương kính nhớ tổ tiên, liên hoan ẩm thực mà còn trở thành một dịp sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Còn thầy Tạ Xuân Đài, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (huyện Trảng Bom), thì cho biết thêm: “Trường chúng tôi không có không gian thờ tự Vua Hùng với các đồ nghi trượng như ở đền, đình nhưng có tượng chân dung Quốc Tổ đặt trang trọng nơi sân trường. Hàng năm, cứ đến mùng 10-3 là hơn 400 học sinh của trường cùng hàng trăm học sinh nhiều trường học khác, các tầng lớp nhân dân, cán bộ lãnh đạo của huyện đều tề tựu đông đủ để xem các tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh sân khấu về sự tích các đời Vua Hùng do học sinh của trường biểu diễn; dâng hương tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của tổ tiên với lòng thành kính. Thầy và trò chúng tôi tự hào vì ngôi trường được mang tên Quốc Tổ”.

* Chung tay vì ngày giỗ Tổ

Trong sáng mùng 10-3 âm lịch, tại các nơi như: nhà thờ Vua Hùng (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc); đền thờ Trần Hưng Đạo (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh); di tích lịch sử đình Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất); chùa Bửu Phong (phường Bửu Long), đền thờ Trần Hưng Đạo (phường Tân Tiến), đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (phường Bình Đa) TP.Biên Hòa; đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (huyện Tân Phú)... sẽ đồng loạt tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương và mở cửa tự do cho nhân dân đến dâng hương, hoa và lễ vật.

Riêng các trường học được vinh dự mang tên Hùng Vương, như: Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa), Trường THCS Hùng Vương (huyện Trảng Bom), Trường THCS - THPT Hùng Vương (huyện Vĩnh Cửu) và Trường tiểu học Hùng Vương (huyện Định Quán) có đặt tượng Vua Hùng ngay tại khu vực sân trường cũng tổ chức lễ giỗ Tổ vào ngày 5-4 hoặc 6-4 (mùng 9 và 10-3 âm lịch).

Vừa lau chùi tượng Vua Hùng trên gian thờ cao nhất của Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Trưởng ấp Phú Lâm 2, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) ông Đỗ Hữu Chí, người được giao quản lý Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, chia sẻ: “Tôi cùng một số thành viên khác trong ấp được giao nhiệm vụ trông coi, chăm sóc đền đã được hơn 5 năm. Định kỳ hàng tuần, nhất là cứ mỗi dịp giỗ Tổ là tôi cùng những người khác đến quét dọn gian thờ, trang trí trái cây, hoa trên bàn thờ Quốc Tổ sao cho thật gọn gàng, sạch sẽ. Chẳng ai trả công cho chúng tôi làm việc chăm sóc đền nhưng thành viên nào trong ban ấp cũng chủ động với công việc để qua đó thể hiện cái tâm đối với tổ tiên. Để việc đi lại của người dân khi đến với đền được thuận lợi, trong năm vừa qua ban ấp đã vận động nhân dân đóng góp để làm bậc tam cấp phía trước điện thờ, phát quan và không để cỏ dại mọc tràn lan như trước. Đặc biệt, năm vừa qua hệ thống điện cũng đã được kéo về tận đền để phục vụ nhu cầu sử dụng trong các dịp lễ”.

Còn tại Đền Thánh Trần Hưng Đạo (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh), mọi việc chuẩn bị để lễ giỗ Tổ diễn ra sáng nay mùng 10-3 âm lịch đã hoàn thành và sẵn sàng đón người dân các nơi đến dâng hương. “Lễ giỗ Tổ tại đền có một điểm lạ hơn so với những nơi khác trong tỉnh là sau khi khai lễ, ban tổ chức sẽ rước bài vị của Quốc Tổ di chuyển 3 vòng quanh đền để bá tánh các nơi bái vọng. Để kiệu rước của Quốc Tổ luôn sáng bóng, sạch sẽ, mỗi thành viên trong hội đền đều xắn tay vào quét dọn, trang trí kiệu, không gian bên trong và ngoài chính điện. Ai cũng có việc nhà, chuyện riêng nhưng nói đến việc chuẩn bị giỗ Tổ là người nào cũng cố gắng đến để góp sức” - ông Đỗ Thế Duyệt nói.

Bên cạnh công tác chuẩn bị tại những nơi thờ tự Quốc Tổ, nhiều nơi trong tỉnh còn tổ chức các hoạt động hưởng ứng lễ giỗ Tổ với không khí sôi động, náo nhiệt, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia.

Trong đó vào ngày 4-4 (mùng 8-3 âm lịch), tại Văn miếu Trấn Biên đã diễn ra hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng” do Phòng Văn hóa - thông tin và Thành đoàn Biên Hòa phối hợp cùng Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức. Năm 2017, lần đầu tiên hội thi thu hút 70 thí sinh tham gia, cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, trong 2 ngày 4 và 5-4 (mùng 8 và 9-3 âm lịch) tại đây còn diễn ra hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy với sự tham gia của các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn tỉnh, đoàn viên thanh niên, sinh viên một số trường đại học, cao đẳng. Số bánh làm ra sẽ được rước từ Văn miếu Trấn Biên đến Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (phường Bình Đa) để dâng lên Vua Hùng.

Riêng các gian hàng cho chữ thư pháp, chợ ẩm thực, trò chơi dân gian có thưởng... được bố trí tại UBND phường Bình Đa để phục vụ nhân dân vui chơi vào ngày 5-4 (mùng 9-3 âm lịch). Cùng ngày, hội thi gói bánh chưng, bánh giầy, trang trí mâm ngũ quả, biểu diễn đờn ca tài tử sẽ được thực hiện tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Số bánh này sau khi nấu chính sẽ được tuyển chọn để dâng lên Vua Hùng, trao tặng cho người dân đến tham gia lễ giỗ Tổ.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  804,264       3/691