Văn hóa

Đờn ca tài tử Nam bộ - Báu vật đất phương Nam

Đó là chủ đề của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017, diễn ra từ ngày 8 đến 12-4 với sự tham dự của 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có Đồng Nai.

Tổng duyệt chương trình khai mạc Festival đờn ca tài lần II-2017 tại thành phố mới Bình Dương tối ngày 5-4. Ảnh: CTV
Tổng duyệt chương trình khai mạc Festival đờn ca tài lần II-2017 tại thành phố mới Bình Dương tối ngày 5-4. Ảnh: CTV

Hoạt động này được tổ chức không chỉ nhằm tôn vinh bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mà qua đó còn quảng bá loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử đến với công chúng.

* Nhiều hoạt động hấp dẫn

Bên cạnh chương trình nghệ thuật, Đồng Nai còn giới thiệu đến du khách hơn 100 hình ảnh về các hoạt động đờn ca tài tử của tỉnh trong các hội thi, ra mắt câu lạc bộ đờn ca tài tử thời gian vừa qua. Dịp này, đoàn Đồng Nai tổ chức giới thiệu một số sản phẩm du lịch với các món ăn từ tôm cá và đặc sản bưởi Tân Triều.

Theo ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017, trong suốt thời gian diễn ra sự kiện có 6 hoạt động văn hóa được thực hiện để quảng bá đờn ca tài tử - nét đặc trưng về văn hóa, du lịch của các địa phương khu vực Nam bộ. Tuy số đầu việc có ít hơn so với lần tổ chức đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu vào năm 2014, song những hoạt động này hứa hẹn tạo sự lôi cuốn với du khách.

Đầu tiên, lúc 20 giờ tối nay ngày 8-4, tại Quảng trường trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương sẽ là đêm khai mạc festival. Chương trình được đạo diễn bởi nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - người từng đảm nhận vai trò đạo diễn đêm khai mạc festival tại Bạc Liêu cách đây 3 năm, và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH Bình Dương và một số đài PT-TH các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tiếp đó, từ ngày 8 đến hết 12-4, tại khu bờ hồ công viên thành phố mới Bình Dương là hoạt động tái hiện không gian đờn ca tài tử trong những căn lều được cách điệu từ hình trái măng cụt. Mỗi tỉnh, thành sẽ trưng bày hình ảnh về các buổi sinh hoạt, hội thi đờn ca tài tử của địa phương; các loại nhạc cụ dân tộc; biểu diễn đờn ca tài tử và đặc biệt là hướng dẫn thực hành đờn ca tài tử. Ngoài ra, không gian ẩm thực Nam bộ được bố trí liền kề với không gian đờn ca tài tử sẽ phục vụ du khách xuyên suốt đến ngày festival kết thúc.

Cũng trong thời gian này, ban tổ chức sẽ phát động cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật Khoảnh khắc đờn ca tài tử quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017 và không gian trưng bày ảnh nghệ thuật giới thiệu đến du khách gần xa. Sẽ có hơn 350 ảnh nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia chuyên cũng như không chuyên trong cả nước ghi lại những khoảnh khắc trong hoạt động đờn ca tài tử được trưng bày phục vụ công chúng.

Đêm 11-4 diễn ra chương trình họp mặt, giao lưu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực đờn ca tài tử tại Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Bình Dương. 70 nghệ nhân ưu tú được nhà nước công nhận sẽ được ban tổ chức vinh danh và tuyên dương tại buổi họp mặt. Ngoài ra, các nghệ nhân sẽ cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, những việc cần làm để bảo tồn, phát huy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử trong xu thế hiện nay.

Đáng mong chờ nhất và được xem là trọng tâm của festival lần này, đó là Liên hoan đờn ca tài tử, chủ đề “Di sản đất phương Nam”, diễn ra từ ngày 9 đến 11-4 tại Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Bình Dương. Đây là cuộc tranh tài, giới thiệu nét riêng trong đờn ca tài tử của 21 tỉnh, thành về tham dự festival. Sau khi phần thi tài kết thúc, mỗi đoàn sẽ tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương.

Tất cả những hoạt động này đều mở cửa tự do cho du khách các nơi đến tham quan, vui chơi giải trí.

* Góp sức bảo tồn và quảng bá đờn ca tài tử

Ở lần thứ 2 đến với sân chơi nghệ thuật mang tầm quốc gia này, Đồng Nai giới thiệu đến khán giả cả nước một chương trình đờn ca tài tử với chủ đề “Đồng Nai - giai điệu phương Nam”. Cả 6 tiết mục lần này đều là sáng tác mới được Đồng Nai đặt hàng các nhạc sĩ, soạn giả trong tỉnh thực hiện, gồm: Đồng Nai hòa cùng giai điệu đất phương Nam (tác giả A Lý Phượng Tuyền), Hòa tấu nhạc cụ (nhóm tác giả và biểu diễn: Tấn Quốc - Mỹ Ngọc Chi - Minh Hữu - Hữu Hạnh - Văn Rí), Nỗi lòng người mẹ (tác giả Minh Hòa), Vọng cổ dây Ngân Giang (tác giả Văn Còn), Nghĩa tình quê hương (tác giả Anh Liệt), Đồng Nai ngày mới (tác giả Tấn Tài). Những tiết mục này do 12 nghệ nhân, nghệ sĩ đờn ca tài tử được tuyển chọn từ các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh biểu diễn.

 Nhạc công guitar Hữu Hạnh, thành viên trong đoàn Đồng Nai, chia sẻ: “Lần đầu tiên trong gần 20 năm theo nghề đánh đờn, tôi mới tham gia vào một sự kiện lớn như festival đờn ca tài tử. Do vậy, tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình cũng như hỗ trợ tốt nhất thành viên trong đoàn để cùng cống hiến cho khán giả những tiết mục hay. Đây cũng là cơ hội hiếm có giúp tôi tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ các đoàn bạn để nâng cao hiểu biết của bản thân đối với bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử”.

Còn theo ông Đỗ Diệp Hoài Anh, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa tỉnh, chương trình của đoàn có đầy đủ các thể loại từ đơn ca, song ca, tốp ca đến độc tấu - hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Các tiết mục được sắp xếp tạo nên sự liền mạch, dẫn dắt công chúng, cùng quay trở về thời kỳ kháng chiến với nhiều mất mát đau thương nhưng đầy tự hào, quá trình xây dựng quê hương của con người Đồng Nai trong thời kỳ mới; đưa khán giả về với vùng đất Trấn Biên xưa: Biên Hòa - Đồng Nai giàu nghĩa tình.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  804,184       1/691