Văn hóa

Chương trình nghệ thuật "Quảng Trị - Ký ức những dòng sông"

Tối 30/4, tại bờ Nam sông Bến Hải, bên chân cầu Hiền Lương thuộc khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương – Bến Hải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Quảng Trị - Ký ức những dòng sông".

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội “Thống nhất non sông” nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017), kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972- 1/5/2017), 45 năm sự kiện Thành cổ bi tráng, tối 30/4, tại bờ Nam sông Bến Hải, bên chân cầu Hiền Lương thuộc khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương – Bến Hải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Quảng Trị - Ký ức những dòng sông”. 

Chương trình nghệ thuật “Quảng Trị - Ký ức những dòng sông”. Ảnh: Trần Tĩnh –TTXVN
Chương trình nghệ thuật “Quảng Trị - Ký ức những dòng sông”. Ảnh: Trần Tĩnh –TTXVN

Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền và đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Trị. 

Tại chương trình nghệ thuật “Quảng Trị - Ký ức những dòng sông” thay mặt Ban tổ chức, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã trao tặng 800 triệu đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Trị để xây dựng 10 nhà tình nghĩa tặng đồng đội tại Quảng Trị. 

Dựa trên kịch bản văn học của Nhà văn Xuân Đức, với thời lượng khoảng 100 phút, chương trình “Quảng Trị - Ký ức những dòng sông” tái hiện lại câu chuyện quá khứ gắn liền hai con sông lịch sử trên mảnh đất Quảng Trị là sông Bến Hải, sông Thạch Hãn với nỗi đau chia cắt hai bờ Nam – Bắc, những bến đò và ý nghĩa hòa hợp dân tộc trong “ngày hội non sông”. 

Gắn liền ký ức của những dòng sông giới tuyến, hy sinh mất mát và sức mạnh lớn lao trong công cuộc giải phóng đất nước, thống nhất non sông chính là ký ức về những bến đò. Đó là những bến đò lịch sử có một không hai trên thế giới: Bến đò A ở Cửa Tùng, bến đò B, làng Tùng Luật, bến Luỹ, bến Thượng Đông, bến Dục Đức ở Vĩnh Sơn trên sông Bến Hải; bến vượt Nhan Biều, bến Như Lệ, Bến Trà Liên… và nhiều bến khác trên sông Thạch Hãn. Những bến đò đó cũng gắn liền với những người đưa đò thầm lặng bên những dòng sông trên đất Quảng Trị - một hình ảnh đã trở thành huyền thoại ở vùng đất này. 

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là địa danh lịch sử, giới tuyến chia cắt đất nước, biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí và khát vọng thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Ký ức về con sông, cây cầu với nhiều câu chuyện chưa được kể, nhiều nhân vật chưa được biết đến sẽ tạo nên những bất ngờ xúc động trong chương trình. 

Trong chương trình, khán giả được giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Đó là ông Nguyễn Xuân Lý, Đại đội trưởng dân quân xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh là đơn vị làm nhiệm vụ chèo đò chuyên chở bộ đội, lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ; vợ chồng ông Trương Văn Lập và Hoàng Thị Quyên, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Các nhân vật này đã hồi tưởng lại ký ức về những năm tháng chia cắt, họ làm nhiệm vụ là cầu nối tiếp tế, liên lạc giữa hai bờ Nam - Bắc. Khán giả cũng được xem phóng sự về câu chuyện của những nhân vật, địa danh lịch sử trên mảnh đất Quảng Trị hôm nay… 

Chương trình nghệ thuật có sự tham gia trình diễn của các nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú và dàn diễn viên, nhạc công, ca sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Đoàn ca múa Quảng Trị… 

Các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng hấp dẫn, mới mẻ góp phần ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, tôn vinh những chiến công của quân và dân ta một thời bom đạn khốc liệt, tình yêu quê hương đất nước, ý chí và khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Chương trình cũng là lời tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc./.

Theo TTXVN

Đồng Nai

© 2021 FAP
  802,273       6/1,110