Văn hóa

Đạo diễn - NSƯT Lê Thị Hồng Hà: Múa rối đang có nhiều thuận lợi

Đạo diễn - NSƯT Lê Thị Hồng Hà từng giành nhiều giải thưởng cao tại liên hoan múa rối quốc tế và trong nước. Đặc biệt, nữ nghệ sĩ này cùng từng là diễn viên múa rối duy nhất của Việt Nam được Tổ chức UNESCO trao tặng học bổng tại Viện Múa rối quốc tế Charleville - Mezieres vào năm 1998.

Đạo diễn - NSƯT Lê Thị Hồng Hà hướng dẫn cho học viên tham gia lớp tập huấn kỹ năng xây dựng chương trình múa rối được tổ chức tại Nhà thiếu nhi Đông Nai. Ảnh: V.Truyên
Đạo diễn - NSƯT Lê Thị Hồng Hà hướng dẫn cho học viên tham gia lớp tập huấn kỹ năng xây dựng chương trình múa rối được tổ chức tại Nhà thiếu nhi Đông Nai. Ảnh: V.Truyên

Ngoài ra, với vai trò là giảng viên phụ trách đào tạo của Nhà hát Múa rối Việt Nam, nữ nghệ sĩ còn tham gia giảng dạy nghệ thuật múa rối cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có không ít người yêu thích rối tại Đồng Nai.

* Thêm một người biết múa rối, tôi có thêm một niềm vui

 Điều gì thôi thúc bà suốt nhiều năm qua đi khắp nơi từ Bắc vào Nam để truyền đạt kiến thức về múa rối cho mọi người?

- Mỗi khi có một đơn vị tổ chức lớp tập huấn múa rối, liên hoan múa rối, tôi đều rất vui và khi họ mời thì tôi luôn có gắng sắp xếp công việc để tham gia. Bởi với tôi, làm múa rối không chỉ để giữ nghề cho riêng mình mà còn phải truyền nghề. Vậy nên mỗi khi có một người được học múa rối, biết múa rối tôi rất vui vì môn nghệ thuật này ngày càng được nhân rộng, phát huy tới cộng đồng.

 Mỗi lớp tập huấn múa rối hiện chỉ kéo dài 10-15 ngày. Thời gian ngắn như vậy có đủ cho bà truyền thụ hết kiến thức về rối cho người học?

- Dĩ nhiên là không thể truyền thụ hết được cho học viên kiến thức về múa rối. Nhưng trong điều kiện nhất định về thời gian, tôi và những người tham gia giảng dạy cố gắng truyền đạt những kiến thức, kỹ năng cơ bản về múa rối để người học hiểu và từ đó tự tìm tòi, phát triển thêm theo thời gian. Có rất nhiều học viên ở các tỉnh, thành chưa từng biết gì về múa rối, nhưng sau lớp tập huấn họ đã tự dàn dựng được vở diễn. đây là điều rất đáng mừng.

 Mặc dù có nhiều đội, nhóm nhưng múa rối vẫn bó hẹp về không gian, đối tượng nhất định. Vậy theo bà, cần phải có những yếu tố gì để múa rối đi vào cuộc sống, được nhiều người biết đến?

- Có thể nói hiện nay múa rối phong trào phát triển rất mạnh với nhiều đội, nhóm. Một số tỉnh, thành trước nay chưa từng có múa rối, như: Lâm Đồng, Tây Ninh... cũng đã cử các nhóm bạn trẻ tham gia học nghệ thuật múa rối. Nhưng nhìn chung, hoạt động này vẫn còn gói gọn trong một phạm vi, số lượng người nhất định. Việc múa rối đến được với đại chúng còn rất hạn chế, bởi thực tế có rất nhiều người chưa từng biết hoặc xem một vở rối nào. Do vậy, để mọi người biết về múa rối thì ngoài cố gắng của những người trong nghề, rất cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng trong công tác truyền thông, đưa nghệ thuật múa rối vào sinh hoạt trong trường học để vun đắp tình yêu đối với môn nghệ thuật truyền thống này cho các em.

 Bà có quá tham vọng không khi muốn đưa múa ri vào trường học?

- Múa rối không phải là điều gì xa lạ với giáo viên và học sinh. Bằng chứng là rất nhiều nơi đã dùng múa rối trong dạy - học và được đánh giá là rất hiệu quả, bổ trợ rất nhiều cho tiết học vì tạo nên sự sinh động. Bản thân các giáo viên đều “tự chế” được phục trang cho rối sao cho phù hợp nhất với nội dung cần chuyển tải. Thêm vào đó, với nghệ thuật thì để thẩm thấu được vào con người, cần có cả quá trình với thời gian dài và đi từ thấp lên cao mà trường học là nơi phù hợp nhất. Với những điều kiện thuận lợi hiện có, tôi mong rằng điều này sẽ sớm thành hiện thực để lớp trẻ biết đến, hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

* Rối đang đến với mọi người

 Trước đây khi nghe đến múa rối, mọi người chỉ hình dung đến múa rối nước, còn hiện nay múa rối có nhiều biến thể. Và theo NSƯT Lê Thị Hồng Hà thì điều này có ý nghĩa thế nào?

- Những năm gần đây, nghệ thuật múa rối rất phát triển. Không chỉ có rối nước mà rối cạn, rối điện tử, rối người, rối dây... cũng đã xuất hiện và được khán giả hưởng ứng. Chẳng hạn, như ở Nhà thiếu nhi Đồng Nai, những tiết mục múa rối người đang thu hút rất đông người xem. Đây được xem là tín hiệu rất đáng mừng, vì qua đó chúng ta có thể thấy bên cạnh giữ gìn nghệ thuật rối nước truyền thống thì múa rối đang từng bước phát triển, cải tiến để đáp ứng nhu cầu của người xem, khắc phục hạn chế của múa rối nước, bởi không phải ở đâu cũng có sân khấu, trang thiết bị dành cho múa rối nước.

 Còn về người xem múa rối hiện nay thì sao, có sự khác nhau ra sao so với trước kia?

- Nếu trước đây múa rối chủ yếu phục vụ khán giả là trẻ em thì hiện nay người xem rất đa dạng về độ tuổi. Chẳng hạn, những vở diễn tại sân khấu của Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn đông người lớn tuổi, thanh niên đến theo dõi. Hay khi Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai thực hiện vở rối nước Dòng chảy cội nguồn, bên cạnh trẻ em, tôi nhận thấy có rất nhiều lứa tuổi khác nhau cũng đến xem, cổ vũ. Đây là minh chứng tốt nhất, cho thấy cùng với các loại hình nghệ thuật khác thì múa rối đang từng bước đến và được mọi người chấp nhận. Thực tế này đã đặt ra cho người làm nghề những đòi hỏi mới, vì khán giả có tuổi khi xem có sự cảm thụ khác, đòi hỏi cao hơn, sự mới lạ chứ không chỉ thuần túy như trẻ em.

 Để giữ chân được khán giả đến với múa rối lâu dài, theo bà cần làm những việc gì?

-Việc cần làm thì rất nhiều, nhưng đầu tiên là cần có những vở diễn mới, sáng tạo để hút người xem đến với sân khấu. Tiếp đó là đào tạo đội ngũ những người làm múa rối chuyên nghiệp. Ngoài ra là cần có nơi để người làm múa rối biểu diễn, sống được với nghề, người có nhu cầu có nơi xem múa rối. Đó là với múa rối chuyên nghiệp, còn với múa rối phong trào thì các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi nên nghiên cứu để đưa loại hình nghệ thuật này vào hoạt động nhằm giúp người yêu múa rối có nơi chốn sinh hoạt.

 Xin cảm ơn bà!

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  648,682       1/810