Văn hóa

Mỹ thuật Đồng Nai - hành trình sáng tạo

Đó là tập sách do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản. Sách giới thiệu 48 họa sĩ, nhà điêu khắc với hơn 140 tác phẩm tiêu biểu. Các họa sĩ được giới thiệu trong tuyển tập gồm nhiều thế hệ từng sinh sống, chiến đấu, lao động sáng tạo trên mảnh đất Đồng Nai qua nhiều thời kỳ.

Trong Mỹ thuật Đồng Nai - hành trình sáng tạo, nhiều tác giả gắn bó một thời với hoạt động, chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ, Chiến khu Đ hào hùng, như: họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Nam Ngữ, Võ Hữu Xưởng… Những hình ảnh sinh hoạt trong chiến khu xưa, những chuyến hành quân của bộ đội… được thể hiện sinh động, chân thật. Bảo tàng Đồng Nai chính là nơi lưu giữ tập tranh ký họa quý giá về thời kỳ kháng chiến do họa sĩ Huỳnh Phương Đông trao tặng. Những tác phẩm ấy đã trở thành những nguồn tư liệu quý giá.

Chặng đường sau này, đặc biệt sau ngày đất nước thống nhất, nhiều thế hệ họa sĩ trưởng thành, được đào tạo chính quy, lớn lên từ vùng đất Biên Hòa. Cũng có nhiều họa sĩ chọn Biên Hòa là nơi công tác, sinh sống, từ cảm nhận thực tế về nơi đây trong quá trình xây dựng và phát triển, đã sáng tác nhiều công trình đa dạng qua các loại hình hội họa, đồ họa, điêu khắc, gốm… Mỹ thuật Đồng Nai - hành trình sáng tạo giới thiệu đến công chúng sự đa dạng trong cá tính nghệ thuật, táo bạo trong sử dụng các chất liệu xây dựng tác phẩm, sự phong phú về cách thể hiện cuộc sống đương đại thông qua góc nhìn nghệ thuật riêng biệt của từng tác giả.

Chính sự đóng góp của những thế hệ họa sĩ bậc thầy, như: họa sĩ Huỳnh Phương Đông, họa sĩ Nguyễn Cao Thương…; sự tiếp bước của lớp nghệ sĩ đàn anh như họa sĩ Trần Chí Lý, nhà điêu khắc Phạm Công Hoàng, họa sĩ Nguyễn Đức Sơn… và sự kế thừa, phát huy có sáng tạo của lớp họa sĩ trẻ, như: Thoòng Cọc Thành, Trần Đình Thắng, Hoàng Ngọc Hiến, Lê Vân… đã đánh dấu bước tiến dài của mỹ thuật Đồng Nai trong sự phát triển chung của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, làm nên tuyển tập sách mỹ thuật này.

Huyền Quy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  798,793       1/1,167